Kinh tế Trung Quốc sẽ nối dài đà hồi phục?

Kinh tế Trung Quốc sẽ nối dài đà hồi phục?

Đà hồi phục kinh tế của Trung Quốc tiếp diễn trong tháng này nhờ chính sách tài khóa mở rộng trong lúc nhà đầu tư trông chờ một thỏa thuận thương mại tiềm năng với Mỹ.

Đó là theo một chỉ báo của Bloomberg Economics, trong đó tổng hợp những chỉ báo sớm nhất về tâm lý thị trường và các điều kiện kinh doanh. Mặc dù chứng khoán suy giảm trong nửa sau tháng 4/2019, nhưng đà tăng mạnh kể từ đầu năm đã giúp duy trì tâm lý tích cực. Giá đồng, giám đốc kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ ghi nhận các số liệu yếu hơn.

Sau đà hồi phục mạnh hơn dự báo trong tháng 3/2019, các nhà hoạch định chính sách báo hiệu họ dần né xa việc nới lỏng chính sách tiền tệ trên diện rộng, đồng thời duy trì chính sách tài khóa mang hơi hướng hỗ trợ. Tác động của gói kích thích từ chính sách kết hợp với kỳ vọng về một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung đã nâng đỡ tâm lý tự tin ngay cả khi áp lực suy giảm vẫn còn đó.

“Hỗ trợ từ chính sách vẫn còn cần thiết – điều này có nghĩa Chính phủ cần phải tiếp tục chi tiêu và thúc đẩy đầu tư để giữ nhu cầu nội địa ổn định”, Qian Wan, Chuyên gia kinh tế tại Bloomberg China, nhận định. “Chẳng hề có sự cải thiện nào về phía sản lượng so với tháng trước”.

Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg đã nâng dự báo về tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2019, khi chính sách ảnh hưởng tích cực tới triển vọng của các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6.3% trong năm 2019, tăng 0.1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Các chuyên viên phân tích cũng nâng dự báo lạm phát trung bình trong năm 2019 lên 2.1%, vẫn đáp ứng mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc, mặc dù giá thực phẩm gia tăng mạnh do dịch tả lợn châu Phi hoành hành.

Tâm lý lạc quan bất chợt lung lay sau khi các nhà lãnh đạo hàng đầu báo hiệu kích thích ít hơn trong thời gian tới khi nền kinh tế phục hồi. Các nhà đàm phán thương mại Mỹ sắp tới Bắc Kinh trong tuần này để đẩy mạnh đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến thuế quan kéo dài hơn 10 tháng qua.

Mặc dù căng thẳng thương mại đã lắng xuống phần nào, nhưng nhu cầu từ bên ngoài vẫn còn là một rủi ro lớn.

“Các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục hỗ trợ bằng cách biện pháp tài khóa”, Robin Xing, Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Morgan Stanley, nhận định. “Các chuyên gia hoạch định chính sách vẫn chú ý tới những rủi ro suy giảm. Nền kinh tế toàn cầu vẫn không tốt lắm trong năm nay, vì vậy sẽ là khôn ngoan khi đảo ngược một số chính sách”.

Trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ hơn đang truyền tải tín hiệu trái chiều, theo một cuộc khảo sát hơn 500 công ty được thực hiện bởi Standard Chartered Plc. Các điều kiện được báo cáo bởi các nhà quản lý bán hàng cũng suy yếu trong tháng này, theo World econom Ltd.

“Doanh số phục hồi sau dịp lễ Tết Nguyên đán đã thúc đẩy sự phục hồi của hoạt động sản xuất và tuyển dụng”, Shen Lan, Chuyên gia kinh tế tại Standard Chartered, viết trong báo cáo. “Tuy nhiên, áp lực giảm giá đầu ra đã gây áp lực lên triển vọng lợi nhuận. Nhu cầu đầu tư vẫn khá ì ạch trong tháng 4/2019, một phần là vì kỳ vọng về khả năng sinh lợi suy yếu”.

Chỉ số đo lường về khả năng sẵn lòng cho vay tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ của các ngân hàng đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 4/2019, qua đó củng cố quan điểm cho trằng chính sách vẫn hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Shen viết.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi