Mỹ và Trung Quốc đang “đau đầu” về những điều gì tại cuộc đàm phán?

Mỹ và Trung Quốc đang “đau đầu” về những điều gì tại cuộc đàm phán?

Các quan chức hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã giải quyết phần lớn các vấn đề đang ngáng đường tiến tới một thỏa thuận thương mại, nhưng vẫn còn đó những rắc rối liên quan tới cách thức triển khai và thực thi thỏa thuận.

Một quan chức thậm chí cho biết thỏa thuận thương mại đã đạt 90%.

“Chúng ta đang bước tới giai đoạn cuối cùng”, Myron Brilliant, Phó Chủ tịch điều hành phụ trách vấn đề quốc tế tại Phòng Thương mại Mỹ, cho hay. “Thỏa thuận thương mại đã đạt 90%, nhưng 10% cuối cùng là phần khó nhất, đó là phần căn go nhất và đòi hỏi sự đánh đổi giữa hai bên”, ông nói với các phóng viên.

Vậy thì Mỹ và trung Quốc đang lo ngại về những vấn đề gì?

Mua hàng hóa Mỹ

Nhà Trắng cực kỳ tập trung vào cam kết mua hàng hóa Mỹ cho tới quý 2/2020 của Trung Quốc, trong một nỗ lực thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ trước Tổng thống Mỹ Donald Trump tái tranh cử vào năm 2020. Nguồn tin thân cận cho biết, vì lý do đó, Mỹ đang thúc giục Trung Quốc mua mạnh trước một lượng hàng hóa lớn trong 2 năm đầu tiên sau khi thỏa thuận được ký kết.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc chạm mức kỷ lục trong năm 2018, ở mức 419.2 tỷ USD.

Cả hai bên vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc thống nhất cách thức triển khai thỏa thuận, một vấn đề mà Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), cho là vấn đề cơ bản của cuộc đàm phán. Trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 2/2019, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của ông Trump cho biết Mỹ muốn có quyền đơn phương hành động đáp trả tương xứng với Trung Quốc nếu họ không tuân theo luật. Một nguồn tin cho biết Trung Quốc cho tới nay chỉ đồng ý cân nhắc về ý tưởng không đáp trả nếu Mỹ đơn phương thực hiện hành động đối với Trung Quốc, nhưng vẫn chưa đưa ra cam kết chính thức về chuyện không đáp trả.

Câu hỏi về thuế quan

Một trong những vấn đề cuối cùng sẽ là điều gì sẽ xảy ra với những hàng rào thuế quan mà cả hai bên đã áp bổ sung lên 360 tỷ USD hàng hóa lẫn nhau trong 9 tháng qua. Ông Trump cho biết, ít nhất một vài hàng rào thuế quan sẽ ở lại, cho rằng chúng cần phải giữ nguyên thêm một khoảng thời gian dài để đảm bảo Bắc Kinh tuân thủ theo thỏa thuận.

Văn bản thảo thuận thương mại cũng sẽ bao gồm những khung thời gian chuẩn để Trung Quốc hoàn tất các cam kết quan trọng, có khả năng là 90 ngày và 180 ngày sau khi ký kết, dựa trên hai nguồn tin thân cận,

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc vẫn đang đàm phán về thời điểm hai nhà lãnh đạo có thể ngồi xuống để ký kết một thỏa thuận thương mại. Thời điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung có thể được công bố sớm nhất là vào ngày thứ Năm (04/04), dựa trên nguồn tin thân cận. Sau khi nhóm của ông Tập đề xuất xem xét viếng thăm chính thức tới Washington, Trung Quốc đã phản đối tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Mỹ và thay vào đó, muốn tổ chức gặp ở một quốc gia trung lập thứ ba, dựa trên nguồn tin thân cận.

Mặc dù các quan chức Nhà Trắng đã tỏ ra lạc quan một cách thận trong trong vài ngày gần đây về chuyện tiến tới một thỏa thuận trong tương lai gần, nhưng quyết định dự kiến bán máy chiến đấu cho Đài Loan của Mỹ có thể ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán tuần này cũng như hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung, dựa trên nguồn tin thân cận. Xét tới sự nhạy cảm về địa chính trị của đợt bán máy bay trên, vấn đề này nhiều khả năng sẽ được đề cập tới khi hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung gặp nhau và có thể không phải là một phần của cuộc đàm phán thương mại do ông Lighthizer dẫn dắt.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi