Ông Trump: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sớm tới Nhà Trắng

Ông Trump: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sớm tới Nhà Trắng

Trong ngày thứ Năm (25/04), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ sớm chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng nhằm tạo điều kiện cho một thỏa thuận thương mại tiềm năng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ tới Bắc Kinh để đàm phán thương mại – dự kiến bắt đầu vào ngày 30/04/2019, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết trong một tuyên bố trong ngày thứ Ba (23/04). Họ sẽ lại gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong lần viếng thăm này.

Các cuộc đàm phán tuần tới “sẽ bao gồm các vấn đề thương mại như sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, rào cản phi thuế quan, nông sản, dịch vụ, mua hàng và triển khai thỏa thuận”, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố.

Cả hai bên đang muốn hoàn tất thỏa thuận phác thảo trước thời điểm cuối tháng 5/2019, dựa trên nguồn thông tin thân cận. Các quan chức muốn thông báo trong chuyến đi tới Washington của ông Lưu Hạc rằng họ đã đồng ý một thỏa thuận và thông tin chi tiết về hội nghị thượng đỉnh để ký kết thỏa thuận, Bloomberg dẫn lại tin thân cận.

Mỹ và Trung Quốc tăng cường ngoại giao trong vài tuần gần đây để cố gắng chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài hơn 9 tháng vừa qua, trong đó các quan chức đang bàn luận về việc tổ chức cuộc gặp mặt trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để ký kết thỏa thuận. Ông Mnuchin cho biết cơ chế triển khai thỏa thuận phải là hai chiều và Mỹ sẵn lòng chấp nhận “ những hậu quả nhất định”, giải quyết một trong những vấn đề khó nhằn trong các cuộc đàm phán.

Cơ chế triển khai thỏa thuận

Các quan chức Mỹ cho biết một cơ chế triển khai thỏa thuận sẽ cần phải có sự tham vấn giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc, nhưng rồi cũng sẽ cho cả hai bên đơn phương áp lệnh trừng phạt thương mại. Theo thỏa thuận (nếu có), cả hai bên có thể đồng ý từ bỏ quyền trả đũa hoặc thách thức bất kỳ động thái triển khai thỏa thuận của bên còn lại tại Tổ chức thương mại Thế giới (WTO).

“Các cuộc đàm phán căng thẳng cho thấy cả hai bên có áp lực và sự sẵn lòng để tiến tới một thỏa thuận”, Zhou Xiaoming, từng là quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc, cho hay. “Nhưng việc có tiến tới thỏa thuận hay không tùy thuộc vào hai bên có cho thấy sự thấu hiểu và nhượng bộ hay không”.

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã liên lạc thường xuyên thông qua điện thoại kể từ lần gần nhất ông Lưu Hạc dẫn dắt một phái đoàn tới Washington vào đầu tháng 4/2019. Cả hai bên vẫn còn suy ngẫm về cơ chế triển khai thỏa thuận và những hàng rào thuế quan nào sẽ ở lại hoặc bị loại bỏ.

Bất kỳ thỏa thuận thương mại nào giữa Mỹ và Trung Quốc phải tuân theo các nguyên tắc đa phương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trước đó trong tháng này. Nếu họ không làm thế thì sẽ tạo ra rủi ro kinh tế cho các đối tác thương mại khác ở châu Á nếu Trung Quốc bớt nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia này, IMF cho hay.

Vũ Hạo (Theo Reuters)

FiLi