Vì sao IMF nâng dự báo tăng trưởng năm 2019 của Trung Quốc?

Vì sao IMF nâng dự báo tăng trưởng năm 2019 của Trung Quốc?

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2019 của Trung Quốc, vì những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc hỗ trợ nền kinh tế và những tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) mới nhất, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc lên 6.3% trong năm 2019, cao hơn dự báo trước đó là 6.2%. Báo cáo WEO được đông đảo nhà đầu tư toàn cầu theo dõi để xem đánh giá của IMF về nền kinh tế thế giới.

Nền kinh tế Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – tăng trưởng 6.6% trong năm 2018, yếu nhất trong 28 năm.

“Trung Quốc đã tăng cường kích thích tài khóa và tiền tệ để chống lại những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thuế quan. Hơn nữa, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã lắng bớt phần nào khi triển vọng tiến tới một thỏa thuận thương mại ngày càng tăng”, Gita Gopinath, Cố vấn Kinh tế của IMF, viết trong một báo cáo.

Tuy nhiên, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2020 xuống 6.1%, từ dự báo 6.2% trước đó.

“Khi triển vọng nhìn chung vẫn còn mong manh, vẫn còn đó nhiều rủi ro suy giảm. Căng thẳng thương mại có thể dâng cao trở lại và lan sang nhiều lĩnh vực khác (như ngành xe hơi), qua đó gây gián đoạn tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Tăng trưởng Trung Quốc có thể bất ngờ suy giảm”, Gopinath nhận định.

Mỹ và Trung Quốc đã kéo nhau vào cuộc chiến thương mại kể từ năm 2018. Tại bữa ăn tối bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina vào đầu tháng 12/2018, hai nhà lãnh đạo đã nhất trì đình chiến thương mại để đàm phán về một thỏa thuận thương mại. Ở một diễn biến khác, Mỹ đã tái thương lượng thành công một thỏa thuận thương mại với hai quốc gia Canada và Mexico, và với cả Hàn Quốc. Washington đang muốn “viết lại” mối quan hệ thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.

Chỉ trong vòng 6 tháng, IMF đã ba lần hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, một phần là vì căng thẳng giữa Mỹ và các đối tác thương mại.

“Lý do để tỏ ra lạc quan”

Dự báo có phần hơi lạc quan về Trung Quốc của IMF được đưa ra khi một số chuyên gia kinh tế cũng chuyển sang lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Á này.

Ngân hàng lớn nhất châu Âu, HSBC, cho biết tăng trưởng của Trung Quốc có thể chạm mức 6.6% trong năm nay – cao hơn dự báo của Chính phủ Trung Quốc là 6-6.5%. Citi Group cho biết tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2019 có khả năng hơn 6.2%.

“Trong ngắn hạn, tôi nghĩ có lý do để tỏ ra lạc quan về Trung Quốc vì những sự nới lỏng trong chính sách. Các biện pháp kích thích dần phát huy tác dụng, vì vậy chúng tôi hy vọng kinh tế Trung Quốc sẽ ổn định và phục hồi trong vài quý tới”, Johanna Chua, Trưởng bộ phận kinh tế và phân tích thị trường châu Á của Citi Group, nói trên chương trình “Street Signs” của CNBC trong ngày thứ Tư (10/04).

Các cơ quan chức trách Trung Quốc đã thực hiện cả biện pháp tài khóa lẫn tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm cả cắt giảm thuế và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Thế nhưng, trong dài hạn, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại vì những thay đổi trong vấn đề dân số và tiềm năng về năng suất lao động, ông Chua cho hay.

Triển vọng toàn cầu ảm đạm

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 giữa lúc triển vọng từ hầu hết các nền kinh tế phát triển có vẻ u ám hơn và dấu hiệu về khả năng áp thêm thuế đang gây áp lực lên hoạt động thương mại.

Trong báo cáo WEO mới nhất, IMF dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3.3% trong năm nay, giảm từ mức 3.5% mà IMF đã dự báo trong tháng 1/2019. Đây là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2009, thời điểm nền kinh tế thế giới bước vào suy thoái.

“Đây quả là thời khắc nhạy cảm” của nền kinh tế toàn cầu, Gita Gopinath – người vừa trở thành Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF trong thời gian gần đây – cho biết tại cuộc họp báo ở Washington. Triển vọng năm tới là khá bấp bênh, bà cho hay.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi