Ai thắng, ai thua trong thương chiến Mỹ-Trung?

Ai thắng, ai thua trong thương chiến Mỹ-Trung?

Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu trực tiếp trong cuộc chiến thương mại. Một bên, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và thêm Huawei Technologies vào danh sách đen. Một bên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa sẽ đánh trả, cũng giống như lời hứa của một bài hát đang dậy sóng trên mạng xã hội Trung Quốc: “Nếu kẻ thù muốn chiến đấu, chúng ta sẽ đánh cho đến khi họ hồn phi phách tán”.

Sau đây, Bloomberg dẫn lại bức tranh tổng thể về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tại thời điểm này.

Thâm hụt thương mại ngày càng thu hẹp

Đối với ông Trump, chỉ có một thước đo duy nhất cho thấy Mỹ đang chiến thắng hay thua cuộc trong cuộc chiến với Trung Quốc: Cán cân thương mại song phương. Con số thương mại cho thấy, Mỹ vẫn đang thâm hụt quá nhiều so với Trung Quốc, nhưng thâm hụt thực sự đã thu hẹp trong vài tháng gần đây.

Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế tranh luận về chuyện ai là người “lập công” trong việc thu hẹp thâm hụt thương mại và liệu cán cân thương mại có phải là một thước đo hữu ích hay không. Trong tháng 3/2019, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong 3 năm. Một chiến thắng dành cho Mỹ.

Giá hàng hóa

Giới phê bình cho rằng hàng rào thuế quan của ông Trump đã nâng giá hàng hóa mà người tiêu dùng Mỹ phải trả, nhưng cho tới nay, tình trạng này không diễn ra trên diện rộng. Dù vậy, các tín hiệu lạm phát xuất phát từ cuộc chiến thương mại đang xuất hiện ở Mỹ. Giá của hàng hóa nằm trong danh sách bị áp thuế quan đã tăng 1.6% tính tới tháng 4/2019 sau vòng áp hàng rào thuế quan đầu tiên hồi tháng 7/2018.

Về phần Trung Quốc, mức thuế quan cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ không hề có tác động trực tiếp tới giá mà người tiêu dùng Trung Quốc phải trả vì nhiều hàng hóa trong số này đều là nguồn nguyên vật liệu đầu vào chứ không phải sản phẩm cuối cùng. Top 7 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ bị áp thuế cao nhất là đậu nành, vàng, vụn đồng, giấy vụn, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), vải cotton và propan hóa lỏng. Khi người Mỹ chịu nhiều nỗi đau hơn từ việc áp thuế nhập khẩu, thì rõ ràng Trung Quốc đang chiến thắng ở khoản này.

Niềm tin người tiêu dùng

Mặc dù niềm tin người tiêu dùng Mỹ phục hồi trong tháng 4/2019 – nhờ thị trường lao động thắt chặt và tiền lương cao hơn, nhưng tăng trưởng doanh số bán lẻ đã giảm 2 lần trong 3 tháng vừa qua. Trung Quốc cũng rơi vào tình cảnh tương tự, khi tăng trưởng doanh số bán lẻ giảm mạnh hơn dự báo, làm suy yếu động lực tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc. Tại thời điểm này, người dân Mỹ nhìn chung vẫn không quá lạc quan về triển vọng chiến tranh thương mại, nhưng điều đó có thể thay đổi nếu ông Trump hiện thực hóa lời đe dọa áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ở khoản này, Bloomberg cho rằng Mỹ và Trung Quốc hòa nhau.

Chiến tranh tiền tệ

Nhân dân tệ suy yếu 7.5% so với USD trong 12 tháng vừa qua. Điều này giúp giảm bớt tác động từ hàng rào thuế quan của ông Trump và Nhân dân tệ có thể giảm tiếp. Điều đau đầu của Trung Quốc là có thể để Nhân dân tệ suy yếu tới đâu, trước khi đà suy yếu gây ra áp lực thoái vốn và buộc Chính phủ Trung Quốc phải sử dụng tới dự trữ. Nhân dân tệ yếu hơn vừa tốt lại vừa xấu cho nền kinh tế Trung Quốc, tức kết quả là hòa.

Thị trường cổ phiếu

Trong năm 2018, thị trường cổ phiếu ở Mỹ và Trung Quốc rớt mạnh nhất trong 1 thập kỷ qua, nhưng Trung Quốc có vẻ bị tác động mạnh hơn. Đà giảm 25% của chỉ số Shanghai Composite gấp 4 lần đà giảm của chỉ số S&P 500 trong năm 2018. Gần đây, thị trường chứng khoán đã có bước khởi sắc ở cả hai quốc gia, nhưng câu hỏi ở đây là đà tăng sẽ kéo dài bao lâu khi mà cuộc đàm phán thương mại rơi vào thế bế tắc.

Tính từ đầu năm 2018, chứng khoán Trung Quốc đã giảm gần 14%, trong khi giá cổ phiếu Mỹ tăng 6%. Rõ ràng, Mỹ vượt trội hơn ở khoản này.

Kinh tế giảm tốc

Cả hai nền kinh tế đều cho thấy dấu hiệu suy yếu trong vài tuần gần đây, nhưng Trung Quốc dường như đang giảm tốc mạnh hơn. Dữ liệu Trung Quốc cho thấy sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư đều tăng trưởng chậm lại trong tháng 4/2019. Tại Mỹ, cùng với doanh số bán lẻ yếu hơn, sản lượng tại các nhà máy cũng giảm tháng thứ 3 trong 4 tháng vừa qua.

Nếu hàng rào thuế quan bắt đầu tác động tới tăng trưởng, ông Tập có nhiều công cụ tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng hơn so với ông Trump. Nợ doanh nghiệp cao cho thấy Trung Quốc đang theo hướng sử dụng chính sách tài khóa nhiều hơn, tránh xa sự phụ thuộc vào việc cung cấp các khoản vay ngân hàng tới các công ty công nghiệp.

Ông Trump không có công cụ tài khóa như thế. Bloomberg cho rằng Mỹ đang chiến thắng nhiều hơn trong khoản này.

Vốn FDI

Trong năm 2018, khoản đầu tư của Mỹ tại Trung Quốc chỉ giảm nhẹ, trong khi khoản đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ đã giảm đáng kể. Đó là dựa trên báo cáo mới từ Dự án Đầu tư Mỹ-Trung. Tổ chức này phát hiện ra khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Mỹ đã rớt hơn 80% xuống 5 tỷ USD trong năm 2018, từ mức 29% trong năm 2017 và 46 tỷ USD trong năm 2016. Trong khi đó, khoản FDI của Mỹ chảy vào Trung Quốc giảm xuống 13 tỷ USD trong năm 2018, từ mức 14 tỷ trong năm 2017. Mỹ vắng bóng khoản đầu tư từ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh vẫn nhận được thì rõ ràng Trung Quốc có lợi hơn.

Khi cuộc đàm phán thương mại chững lại và hai cường quốc lớn nhất thế giới cố gắng nâng cao vị thế của họ thì có lẽ con đường tiến tới thỏa thuận vẫn còn rất xa. Kết quả hiện nay: Mỹ đang dẫn trước ở một vài khoản mục, trong khi Trung Quốc có lợi thế ở những khoản mục khác. Tuy nhiên, xét cho cùng, ai cũng bị thiệt một phần nào đó.

“Xét về phương diện tăng trưởng kinh tế, chẳng ai thắng trong một cuộc chiến thương mại. Xét về phương diện cạnh tranh địa chính trị, điều quan trọng là ai mất nhiều hơn”, Tom Orlik, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Bloomberg, nhận định. “Mỹ cho rằng Trung Quốc mất nhiều hơn, trong khi Trung Quốc cho rằng Mỹ không có can đảm để chiến đấu tới cùng”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi