Bloomberg: Trung Quốc báo hiệu không muốn nối lại đàm phán thương mại với Mỹ

Bloomberg: Trung Quốc báo hiệu không muốn nối lại đàm phán thương mại với Mỹ

Trung Quốc thể hiện sự thiếu húng thú với chuyện nối lại đàm phán thương mại với Mỹ trước những lời đe dọa leo thang thuế quan từ phía Washington. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ tăng cường thêm các gói kích thích để cố đỡ cho nền kinh tế nội địa trước các hàng rào thuế quan từ phía Mỹ.

Nếu không có động tĩnh gì thể hiện rằng Mỹ chân thành muốn đàm phán thì mọi thứ sẽ vô nghĩa cho dù các quan chức Mỹ có tới Trung Quốc để đàm phán thương mại, theo một bài bình luận của tài khoản Taoran Notes. Sau đó bài bình luận này được Tân Hoa Xã và People’s Daily dẫn lại.

* Bí ẩn về Taoran Notes, tài khoản WeChat nắm được nội tình của các cuộc đàm phán thương mại?

Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh trong ngày thứ Sáu (17/05), phát ngôn viên Meng Wei cho biết, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đang nghiên cứu về các tác động của hàng rào thuế quan Mỹ và đảm bảo tăng trưởng sẽ được giữ trong “phạm vi hợp lý”.

“Chúng tôi không thấy phía Mỹ có bất kỳ sự chân thành nào trong việc đẩy mạnh đàm phán. Thay vào đó, họ đang gia tăng áp lực lên mức tột cùng”, tài khoản Taoran Notes viết. “Nếu Mỹ ngó lơ ý chí của người dân Trung Quốc thì họ có lẽ không có được phản ứng tốt lành từ phía Trung Quốc”.

Chỉ số Shanghai Composite giảm 1.5% vào giữa ngày thứ Sáu (17/05), sắp ghi nhận 4 tuần giảm liên tiếp – chuỗi lao dốc dài nhất trong 10 tháng vừa qua. Đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài suy yếu 0.2% xuống 6.9390 đổi 1 USD.

Tài khoản Taoran Notes cũng lần nữa nhấn mạnh tới những đòi hỏi từ phía Trung Quốc bao gồm gỡ bỏ thuế quan, đưa ra kế hoạch mua hàng hóa phù hợp với thực tế và một văn bản thỏa thuận cân bằng – những yêu cầu được Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tiết lộ trong chuyến viếng thăm Washington tuần trước. Chúng phản ánh lập trường chính thức cũng như ý chí của người dân Trung Quốc, tài khoản Taoran Notes viết.

“Thêm vào đó, nếu ai đó nghĩ rằng bên Trung Quốc chỉ đang bịp bợm thì đó sẽ là đánh giá sai lầm nhất kể từ chiến tranh Triều Tiên”, tài khoản Taoran Notes viết.

Tuần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết các quan chức Mỹ “nhiều khả năng sẽ đến Bắc Kinh vào một thời điểm nào đó” trong tương lai gần để tiếp tục đàm phán thương mại. Tuy nhiên, ông lại cho biết Mỹ vẫn “chưa lên kế hoạch tới Trung Quốc”.

“Chúng tôi sẽ sử dụng biện pháp đáp trả đối với bất kỳ ai áp hàng rào thuế quan lên chúng tôi”, Taoran Notes cho biết.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang trong tuần trước khi ông Trump thực hiện lời đe dọa nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Đó là do Mỹ cáo buộc Trung Quốc rút lại những cam kết mà họ đã nhất trí trước đó với Mỹ. Đáp trả lại, Trung Quốc áp thêm thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Chen Long, Chuyên gia kinh tế tại Gavekal Dragonomics ở Bắc Kinh cho hay, cả hai quốc gia vẫn còn nhiều “vấn đề khó nhằn” cần phải giải quyết, bao gồm thời điểm và quy trình dỡ bỏ hàng rào thuế quan đã áp trong năm 2018, đồng thời đưa ra kế hoạch mua hàng hóa hợp lý cho Trung Quốc.

Gần đây, căng thẳng Mỹ-Trung lại dâng cao khi hôm thứ Tư (15/05), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về các mối đe dọa tới công nghệ Mỹ. Động thái này đưa ra sau lệnh cấm các công ty Mỹ giao thương với Huawei, một tập đoàn viễn thông của Trung Quốc.

Bộ Thương mại Mỹ thông báo thêm Tập đoàn Huawei Technologies và các công ty con vào Danh sách Thực thể của Cục Công nghiệp và An ninh (BIS), khiến việc Huawei làm ăn với các công ty Mỹ trở nên khó khăn hơn rất nhiều,

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi