Dầu WTI lại suy yếu khi nhà đầu tư bớt hy vọng về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung

Dầu WTI lại suy yếu khi nhà đầu tư bớt hy vọng về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung

Các hợp đồng dầu WTI quay đầu giảm nhẹ vào ngày thứ Năm (09/05), trong khi các hợp đồng dầu Brent khép phiên tăng vài xu, với sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung làm gia tăng khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu năng lượng, MarketWatch đưa tin.

Những lo ngại đó đã lấn át yếu tố trợ giá là đà sụt giảm của dự trữ dầu thô tại Mỹ được công bố hôm thứ Tư (08/05), mặc dù nhà đầu tư tiếp tục theo dõi sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran, vốn làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung ở khu vực Trung Đông.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex lùi 42 xu (tương đương 0.7%) xuống 61.70 USD/thùng, sau khi tăng 1.2% trong phiên trước đó. Hợp đồng này đã giảm 0.4% từ đầu tuần đến nay.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 7 trên sàn Luân Đôn nhích 2 xu (tương đương 0.03%) lên 70.39 USD/thùng, nhưng vẫn hướng đến đà giảm 0.6% trong tuần này.

Hôm thứ Tư (08/05), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết rằng Trung Quốc đã “phá vỡ thỏa thuận” trong các cuộc đàm phán thương mại và chuẩn bị đối mặt với hàng rào thuế quan cứng rắn hơn. Lập trường của ông Trump đã gây sức ép lên chứng khoán Mỹ trong tuần này và đưa chứng khoán Mỹ cũng như các thị trường rủi ro khác lại chìm vào sắc đỏ trong ngày thứ Năm. Mức thuế cao hơn dự kiến có hiệu lực vào sáng ngày thứ Sáu (10/05), trong khi Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lưu Hạc, đang có chuyến công tác 2 ngày đến Washington bắt đầu từ ngày thứ Năm.

“Với những hy vọng đang mờ dần về một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, nỗi lo về tăng trưởng toàn cầu hiện đang diễn ra và gây sức ép lên ‘vàng đen’”, Dean Popplewell, Phó Chủ tịch phân tích thị trường tại Oanda, nhận định.

“Tuy nhiên, cho đến nay, giá dầu đã có một số hỗ trợ từ những dấu hiệu về sự thặt chặt nguồn cung toàn cầu nhờ động thái cắt giảm sản lượng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh. Các hợp đồng dầu WTI và dầu Brent đã leo dốc 30% hoặc hơn nữa từ đầu năm đến nay. Nguồn cung cũng bị thắt chặt hơn do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela”, ông Popplewell lưu ý.

Bên cạnh đó, “cũng góp phần hỗ trợ giá dầu trong tuần này, là đà sụt giảm bất ngờ của dự trữ dầu thô tại Mỹ”, ông Popplewell nói thêm. Vào ngày thứ Tư (08/05), Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa sụt 4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 03/05/2019. Dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất cũng giảm nhẹ.

Ngoài ra, các nhà phân tích nhấn mạnh rằng họ không hy vọng xuất khẩu dầu thô của Iran sẽ giảm về 0 nhưng nhiều khả năng sẽ giảm trong vài tuần tới, một yếu tố vẫn tồn tại trong những thảo luận về nguồn cung toàn cầu.

Iran, vốn đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu mỏ, vào ngày thứ Tư (08/05) đã cho biết sẽ ngừng tuân thủ một số cam kết theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, dẫn đến leo thang căng thẳng với Mỹ và tiến gần hơn đến việc phá vỡ thỏa thuận mang tính bước ngoặt.

Tuy nhiên, sản lượng dầu thô của OPEC đã tăng 30,000 thùng/ngày trong tháng 4 lên 30.26 triệu thùng/ngày, một cuộc thăm dò của Platts đưa ra vào ngày thứ Năm cho thấy.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 6 gần như đi ngang tại mức 1.975 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 6 mất 0.6% còn 2.044 USD/gallon.

Các hợp đồng khí thiên nhiên suy yếu trong ngày thứ Năm khi EIA ghi nhận rằng nguồn cung khí thiên nhiên tại Mỹ tăng 85 tỷ feet khối trong tuần kết thúc vào 03/05/2019, tăng như dự báo trước đó.

Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 6 lùi 0.6% xuống 2.595 USD/MMBtu.

An Trần

Fili