Mỹ-Trung “choảng nhau”, cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ tụt dốc không phanh

Mỹ-Trung “choảng nhau”, cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ tụt dốc không phanh

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày càng leo thang đang tạo ra làn sóng bán tháo cổ phiếu Trung Quốc ở Mỹ mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Chỉ số S&P/BNY Mellon China ADR lao dốc 15% trong tháng 5/2019, gần ghi nhận tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2008. Cổ phiếu của công ty mạng xã hội Weibo, công ty truyền thông trực tuyến Sina Corp. và công ty về công cụ tìm kiếm Baidu đều lao dốc hơn 30%. Làn sóng bán tháo cổ phiếu Trung Quốc đâu chỉ xảy ra ở Mỹ, mà còn diễn ra ở Hồng Kông. Cụ thể, chỉ số Hang Seng China Enterprises – theo dõi những cổ phiếu Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông – giảm gần 10%, thành quả tệ nhất trong số các chỉ số chứng khoán lớn trên toàn cầu.

Quy mô của làn sóng bán tháo cho thấy tài sản của Trung Quốc đi xuống mạnh như thế nào kể từ khi chính quyền Trump gia tăng áp lực đối với Bắc Kinh trong tháng này bằng cách nâng thuế và thực hiện các động thái giới hạn khả năng tiếp cận tới các công nghệ quan trọng của Mỹ.  Chỉ mới 3 tuần trước, chỉ số S&P/BNY Mellon’s ADR đang ở gần đỉnh 9 tháng, trong khi đà tăng quý 1/2019 của chỉ số Shanghai chỉ là khởi đầu năm tốt nhất trong 1 thập kỷ.

Thời điểm diễn ra làn sóng bán tháo là một tin xấu đối với những nhà đầu tư đang dõi mắt theo các chỉ số chuẩn toàn cẩu của MSCI. Công ty cung cấp chỉ số MSCI đang nâng tỷ trọng cổ phiếu Trung Quốc loại A trong các chỉ số chuẩn MSCI – vốn đã có sự hiện hữu của cổ phiếu công ty Trung Quốc đang giao dịch ở nước ngoài. Các công ty Trung Quốc “đóng góp” hơn 25% trong đà giảm tháng này của chỉ số MSCI Emerging Markets, dẫn đầu là đà lao dốc của cổ phiếu Tencent Holdings.

Đà suy yếu của đồng Nhân dân tệ càng làm gia tăng nỗi đau của nhà đầu tư vì làm giảm giá trị của khoản lợi nhuận từ các công ty Trung Quốc khi chuyển sang đồng USD. Đồng Nhân dân tệ tại Trung Quốc đã giảm 2.5% trong tháng này, còn đồng Nhân dân tệ ở Hồng Kông lao dốc tới 2.8%.

Cho tới nay, chẳng có dấu hiệu gì cho thấy tình hình sẽ sớm trở nên tốt đẹp hơn. Trung Quốc cho rằng Mỹ là nguyên nhân dẫn tới sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán thương mại và khăng khăng cho rằng Mỹ phải sửa sai thì các cuộc đàm phán mới có thể tiếp tục.

“Lập trường của Trung Quốc về các cuộc đàm phán đã quá rõ ràng: Nếu Mỹ muốn tiếp tục đàm phán, họ phải cho thấy sự chân thành và điều chỉnh lại những hành vi sai lầm”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Gao Feng cho biết trong ngày thứ Năm (23/05).

Cùng ngày hôm đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả Huawei Technologies của Trung Quốc là “rất nguy hiểm”, ngay cả khi ông cho biết Huawei có thể được thêm vào thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Chính quyền Mỹ còn đề xuất áp thuế lên các quốc gia phá giá tiền tệ.

Trong ngày thứ Năm (23/05), Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ đang đề xuất quy tắc mới để áp thuế chống trợ cấp lên hàng hóa từ các quốc gia phá giá đồng tiền so với USD – một động thái khác có thể áp thuế quan cao hơn lên hàng hóa Trung Quốc.

Theo quy tắc mới, hàng hóa từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đức và Thụy Sỹ có nguy cơ bị áp thuế cao hơn.

Những quốc gia này, cùng với Trung Quốc, đều nằm trong “danh sách giám sát” về tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ – theo dõi những trường hợp can thiệp vào thị trường tiền tệ, thặng dư tài khoản vãng lai cao và thặng dư thương mại song phương cao.

Chỉ số Hang Seng China Enterprises đang trên đà ghi nhận tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 1/2016, trong đó đà bán tháo đang ở mức dữ dội nhất trong 11 tháng qua. Nằm trong số những cổ phiếu giảm mạnh nhất là Air China với mức lao dốc hơn 20% trong tháng 5/2019. China Tower Corp – một tay chơi lớn trong cuộc đua triển khai mạng lưới viễn thông 5G ở Trung Quốc – đã mất 18%. Cuộc đua triển khai mạng lưới 5G cũng là vấn đề đang còn tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi