Nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc bắt đầu “ngấm đòn” chiến tranh thương mại?

Nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc bắt đầu “ngấm đòn” chiến tranh thương mại?

Hoạt động tiêu dùng và công nghiệp ở cả Mỹ và Trung Quốc đều giảm tốc trong tháng 4/2019, trước khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bước vào giai đoạn mới nhất của cuộc chiến thương mại.

“Thông điệp thực sự của ngày hôm nay là cả dữ liệu kinh tế từ Mỹ và Trung Quốc đều rất đáng thất vọng. Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhiều”, Marc Chandler, Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Bannockburn Global Forex, cho hay.

Vòng nâng thuế mới nhất từ phía Mỹ và Trung Quốc đã làm gia tăng tác động kinh tế tiềm ẩn tới cả hai nền kinh tế. Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nâng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Các chuyên gia kinh tế dự báo GDP của Trung Quốc sẽ giảm 0.4-0.5 điểm phần trăm và GDP của Mỹ giảm 0.1% vì thuế quan cao hơn. Strategas Research ước tính hàng rào thuế quan cao hơn sẽ làm tăng trưởng Mỹ giảm bớt 0.1 điểm phần trăm trong mỗi 2 tháng sau khi bị nâng thuế, hay 0.5%/năm.

Ông Trump cũng dọa áp thuế 25% lên thêm 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Các chuyên gia kinh tế cho rằng điều này có thể tác động tiêu cực tới doanh số Trung Quốc và đẩy giá hàng hóa lên cao hơn đối với người tiêu dùng Mỹ. Tác động của hàng rào thuế quan tới GDP sẽ còn mạnh hơn nữa.

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng trưởng 7.2% trong tháng 4/2019, thấp nhất trong 16 năm, thấp hơn mức 8.7% của tháng 3/2019 và dự báo 8.6% từ các chuyên gia kinh tế. Sản lượng công nghiệp tháng 4/2019 của Trung Quốc tăng trưởng 5.4%, thấp hơn dự báo 6.5% từ các chuyên gia kinh tế và cũng thấp hơn mức tăng trưởng 8.5% của tháng 3/2019.

“Những dữ liệu gần đây vẽ ra bức tranh kém tươi sáng về nền kinh tế hơn mọi người vẫn nghĩ”, Gareth Leather của Capital Economics cho hay. Ông Leather cho biết các yếu tố mùa vụ có thể che giấu sự suy yếu trong dữ liệu tháng 3/2019 – vốn cho thấy sự cải thiện và dường như là dấu hiệu của sự khởi sắc và hồi phục. Ông Leather nhận định: “Điều này thực sự dập tắt những hy vọng của nhà đầu tư trong thời điểm hiện tại”.

Trong khi đó, doanh số bán lẻ tại Mỹ giảm 0.2% trong tháng 4/2019, trái ngược hoàn toàn với đà tăng bất ngờ 1.7% của tháng 3/2019. Doanh số bán xe hơi giảm 1.1% trong tháng trước, còn doanh số tại các cửa hàng thiết bị điện tử và đồ gia dụng mất 1.3%. Các chuyên gia kinh tế đã dự báo mức tăng 0.2% trong dữ liệu doanh số tháng 4/2019 – vốn rất quan trọng vì nó phản ánh tình hình của người tiêu dùng. Tiêu dùng đóng góp 70% cho nền kinh tế Mỹ.

Sản lượng công nghiệp Mỹ giảm 0.5% sau khi tăng trưởng 0.2% trong tháng 3/2019. Sản lượng từ hoạt động sản xuất giảm 0.5%, dẫn đầu là đà lao dốc 2.6% của sản lượng xe hơi và phụ tùng xe hơi - tháng giảm lần thứ 3 trong 4 tháng vừa qua.

Tác động từ hàng rào thuế quan

“Lĩnh vực xe hơi biến động lạ kỳ vì tình trạng hàng tồn kho dư thừa”, Michelle Meyer, Trưởng bộ phận kinh tế Mỹ tại Bank of America Merrill Lynch (BoAML). “Tôi sẽ chú ý chặt chẽ tới dữ liệu sản xuất, dữ liệu thăm dò và thước đo sự tự tin. Dữ liệu này là rất quan trọng vì nó phản ánh tình hình kinh tế trong giai đoạn leo thang căng thẳng. Hoạt động sản xuất đã suy yếu rồi”.

Bà Meyer nói thêm hoạt động sản xuất đã giảm kể từ khi đạt đỉnh vào mùa hè gần nhất.

Bà cho biết cuộc chiến thương mại có tác động mạnh tới hoạt động sản xuất, trong đó khoảng 59% công ty tham gia vào cuộc thăm dò bán niên của ISM cho biết hàng rào thuế quan khiến giá hàng hóa tăng.

Bà Meyer mô tả dữ liệu doanh số bán lẻ yếu hơn trong tháng 4/2019 là “tín hiệu nhiễu”, nhưng cho biết dữ liệu này cần được theo dõi chặt chẽ nếu Mỹ áp thuế bổ sung lên 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vì chúng sẽ tác động trực tiếp tới nhiều sản phẩm tiêu dùng. Các công ty sản xuất đã ghi nhận tác động từ hàng rào thuế quan, trong đó 59% công ty này cho biết chi phí sản xuất đã tăng mạnh vì thuế quan.

Sau thông tin kinh tế ảm đạm từ Mỹ và Trung Quốc, thị trường ngày càng hy vọng các ngân hàng trung ương và các cơ quan khác nới lỏng chính sách. Hợp đồng tương lai lãi suất quỹ liên bang Mỹ báo hiệu thị trường đang kỳ vọng sẽ có một đợt giảm lãi suất hơn 0.25 điểm phần trăm trong năm nay, còn thị trường chứng khoán Trung Quốc leo dốc nhờ kỳ vọng có thêm gói kích thích về tài khóa và tiền tệ.

 “Cả hai nền kinh tế đều suy yếu trước khi thỏa thuận đình chiến thuế quan chấm dứt, nhưng điều thú vị là chúng ta vẫn chưa nói về mức độ suy yếu. Nếu Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn 6% thì đó là chuyện động trời”, Chandler cho hay. Ông nói tăng trưởng Mỹ có thể đạt mức tăng trưởng trung bình 2.4%  trong 6 tháng đầu năm 2019.

“Tôi nghĩ xác suất Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong năm 2019 đã tăng lên rõ rệt khi xét tới kịch bản chiến tranh thương mại. Đây không phải kịch bản cơ sở của tôi. Theo tôi, Fed sẽ phải cẩn trọng trong việc phản ứng với căng thẳng thương mại. Vẫn còn chưa rõ chiến tranh thương mại sẽ kéo dài bao lâu và sẽ tác động như thế nào tới nền kinh tế thực”, bà Meyer cho hay.

Ông Trump liên tục kêu gọi Fed giảm lãi suất. Gần đây nhất, trong ngày thứ Ba (14/-5), ông Trump cho biết Trung Quốc có lẽ sẽ hạ lãi suất và nếu Fed cũng làm vậy thì Mỹ nhất định sẽ chiến thắng trong cuộc chiến thương mại hiện tại.

Ông Leather cho biết nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa áp thuế lên 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc thì có lẽ nó sẽ gây tổn hại tới người tiêu dùng Mỹ nhiều hơn là người tiêu dùng Trung Quốc vì nhiều hàng hóa không thể nhập nguồn từ nơi khác. Vòng áp hàng rào thuế quan đầu tiên không gây nhiều tác động tới Trung Quốc và nền kinh tế nước này đã trên đà giảm trong nhiều năm qua, ông nói.

Nếu Mỹ tiến hành áp hàng rào thuế quan lên 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, thì “sẽ tác động mạnh tới Trung Quốc”, ông Leather cho hay. “Nhưng không nhiều như mọi người nghĩ đâu. Tác động tới Mỹ sẽ nhiều hơn”, ông nhận định.

“Nếu bạn xem xét quý 1/2019, xuất khẩu từ Trung Quốc tới Mỹ kém hơn 13% so với mức xuất khẩu tới phần còn lại của thế giới. Thông thường, chúng khá khớp với nhau. Dường như hàng rào thuế quan đã có tác động tới xuất khẩu của Trung Quốc. Nhưng nếu bạn xem xét tới tỷ lệ xuất khẩu của Trung Quốc với Mỹ trên GDP, nó là khoảng 3%. 13% của 3% là vô cùng nhỏ. Đà giảm tốc của một số hoạt động tại Trung Quốc có liên quan tới thương mại nhưng với tỷ lệ phần trăm rất nhỏ”, ông nói.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi