Phải chăng kinh tế Trung Quốc đang lao dốc mạnh?

Phải chăng kinh tế Trung Quốc đang lao dốc mạnh?

Tăng trưởng kinh tế thực sự của Trung Quốc luôn là điều khiến nhiều chuyên gia kinh tế phải "đau đầu", nhưng nhu cầu dầu diesel ngày càng giảm của nước này có thể là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trong tình thế thảm khốc hơn những gì thể hiện qua con số chính thức.

Nhu cầu dầu diesel của Trung Quốc giảm 14% và 19% trong tháng 3 và tháng 4/2019, chạm mức chưa từng thấy trong 1 thập kỷ, dựa trên dữ liệu từ Wells Fargo. Nhu cầu hàng tháng đã giảm liên tiếp kể từ tháng 12/2017, dữ liệu này cho thấy.

Nguồn: Wells Fargo Securities, Bloomberg

“Chúng tôi tin rằng đà giảm ngày càng nhanh của nhu cầu dầu diesel nhiều khả năng gắn chặt với các yếu tố kinh tế và tác động của cuộc thương chiến với Mỹ”, Chuyên gia phân tích năng lượng tại Wells Fargo, Roger Read, cho biết trong một báo cáo ngày thứ Hai (27/05). “Đó là điểm mà chúng tôi cho là đáng lo ngại nhất”.

Trong tháng 4/2019, Trung Quốc cho biết nền kinh tế tăng trưởng 6.4% trong quý 1/2019. Tuy nhiên, nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế toàn cầu từ lâu đã hoài nghi về những con số kinh tế chính thức trong nhiều năm qua, họ cho rằng chúng đã bị điều chỉnh.

Với những suy nghĩ đó, các chuyên viên phân tích đã sử dụng các cách khác để đo lường tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc, bao gồm nhu cầu dầu diesel và giá điện. Dầu diesel phần lớn được sử dụng để cung cấp nhiên liệu cho xe tải chở hàng. Nhu cầu dầu diesel ngày càng giảm được xem là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang giảm tốc, vì nó có thể ngụ ý Trung Quốc sử dụng ít xe tải hơn, do đó hàng hóa mua và bán ít hơn.

Đà giảm mạnh của nhu cầu dầu diesel của Trung Quốc diễn ra khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày càng leo thang.

Mỹ và Trung Quốc đã áp hàng rào thuế quan lên hàng tỷ USD hàng hóa của nhau. Trước đó trong tháng này, Mỹ đã nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%, qua đó gây ra tác động lan truyền tới thị trường tài chính.

Chẳng hạn, giá dầu thô ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong năm 2019 trong tuần trước và giảm hơn 7% trong tháng này. S&P 500 rớt hơn 4% trong tháng 5/2019, trong khi Shanghai Composite mất 5.5%.

Cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều không muốn nhượng bộ. Hôm thứ Hai (27/05), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ chưa sẵn sàng tiến tới thỏa thuận với Trung Quốc. Trong khi đó, một bài bình luận đăng trên Tân Hoa Xã báo hiệu Trung Quốc sẽ không vì Mỹ mà thay đổi cấu trúc kinh tế.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm 0.3-0.4%, theo Chuyên viên phân tích tại UBS Anna Ho. Vị chuyên gia này cũng cho biết trong một báo cáo: “Các nền kinh tế mở như Singapore, Hàn Quốc và Malaysia đều khá nhạy cảm với hoạt động thương mại toàn cầu và có tỷ lệ xuất khẩu cao hơn, do đó khả năng phục hồi về tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2019 có thể suy giảm”.

Trong một dấu hiệu khác về căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, lượng du khách tới Mỹ đã giảm lần đầu tiên trong 15 năm qua, theo Văn phòng Du lịch và Du lịch Quốc gia (NTTO).

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi