Thủy Tạ: Dù kem có "tan chảy" thì giá cổ phiếu vẫn tăng dựng đứng!

Thủy Tạ: Dù kem có "tan chảy" thì giá cổ phiếu vẫn tăng dựng đứng!

Có một nghịch lý đang diễn ra ở CTCP Thủy Tạ (UPCoM: TTJ) khi mà hoạt động kinh doanh sụt giảm liên tục nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng dựng đứng!

Trong 3 năm trở lại đây (từ năm 2016 đến năm 2018), kết quả kinh doanh của TTJ thể hiện sự sụt giảm rõ rệt khi lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm từ hơn 7 tỷ đồng xuống chỉ còn hơn 2 tỷ đồng trong năm 2018.

Kết quả kinh doanh của TTJ

Kem Thủy Tạ đang "tan chảy"!

Một trong những nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh của Thủy Tạ sụt giảm là do mảng kem - vốn là mảng chủ lực của Công ty liên tục đi xuống. Cụ thể, từ mức doanh thu hơn 54 tỷ đồng năm 2016, giảm xuống còn 47.5 tỷ đồng năm 2017 và còn 45.9 tỷ đồng năm 2018.

Hơn nữa, trong bối cảnh doanh thu không tăng trưởng, thậm chí sụt giảm thì chỉ cần một sự gia tăng ở chi phí (chí phí bán hàng) cũng đủ làm cho lợi nhuận của TTJ bị ảnh hưởng tiêu cực mạnh mẽ.

Theo đánh giá của TTJ, sản phẩm kem mang tính thời vụ cao nên chịu ảnh hưởng lớn bởi thời tiết không thuận lợi. Sự cạnh tranh từ đối thủ nhiều tiềm lực ngày một gay gắt với nhiều dòng sản phẩm mới, trong khi thị trường tỉnh lẻ xuất hiện nhiều dòng sản phẩm kem rẻ tiền.

Hơn nữa, chi phí bán hàng lớn, đặc biệt chi phí khấu hao về tủ đông, trong khi hiệu quả quản trị hệ thống kem có tủ thấp. Chất lượng kem của Thủy Tạ đi xuống vì độ lạnh không đảm bảo do hệ thống máy móc quá cũ, chưa đầu tư kịp. Vì thế các sản phẩm kem không có khả năng cạnh tranh, ảnh hưởng lên bán hàng và tiêu thụ.

Những nguyên nhân trên chính là lý do khiến mảng kem của Thủy Tạ liên tục "tan chảy" trong 3 năm qua!

Bên cạnh đó, mảng nước (đứng thứ 2 sau mảng kem về doanh thu) của TTJ, mặc dù có thị phần và tiềm năng nhưng do giá thành sản xuất lớn, trong khi thị trường chưa xây dựng hệ thống qua phối qua kênh quận, huyện hợp lý dẫn đến chi phí bán hàng cao nên chưa hiệu quả và còn lỗ.

Giá cổ phiếu tăng dựng đứng

Mặc dù kết quả kinh doanh suy giảm nhưng giá cổ phiếu TTJ đã tăng gần 172% kể từ đầu năm 2018 đến nay, tương đương tăng 52,815 đồng/cp. Song, khối lượng giao dịch của TTJ cực thấp, chỉ đạt bình quân 197 cp/phiên.

Chú thích: Diễn biến giá cổ phiếu TTJ từ đầu năm 2018 đến 17/05/2019. Nguồn: VietstockFinance

Hiện, cơ cấu cổ đông của TTJ có Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (UPCoM: HTM) sở hữu tỷ lệ lớn nhất (hơn 51%).

Năm 2019, căn cứ tình hình thị trường và trên cơ sở đánh giá về thực tế các nguồn lực, đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh, TTJ đặt mục tiêu tăng trưởng với tổng doanh thu đạt 109 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% trong khi lợi nhuận trước thuế gần 7 tỷ đồng, cao gấp 2 lần so với thực hiện năm 2018.

Theo TTJ, để đạt được kế hoạch đề ra, Công ty sẽ tập trung vào các dịch vụ, sản phẩm truyền thống và chiếm ưu thế như dịch vụ nhà hàng, sản phẩm kem công nghiệp, nước tinh khiết và bánh trung thu. Đồng thời, tiếp tục tăng cường đầu tư tài sản, cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất đảm bảo quá trình sản xuất kinh doanh được thường xuyên, liên tục, nhất là những tháng mùa vụ, cao điểm đặc biệt đối với nhà máy sản xuất kem và nhà máy sản xuất nước tinh khiết.

Khang Di

FILI