Rau quả nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến

Rau quả nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến

Thái Lan vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất về rau quả của Việt Nam khi chiếm 45,11% thị phần.

Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, giá trị nhập khẩu rau quả tháng 5 của Việt Nam đạt 228 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng này sau 5 tháng đầu năm lên 878 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 198 triệu USD, tăng 46,8% so với cùng kỳ 2018 và mặt hàng quả đạt 655 triệu USD, tăng 48,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Thái Lan vẫn dẫn đầu thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam khi chiếm 45,11% thị phần, tiếp đến là Trung Quốc, Mỹ, Australia.

vietstock
Măng cụt Thái Lan đắt gấp đôi hàng Việt.

Ở chiều ngược lại, giá trị xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,83 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Trung Quốc vẫn dẫn đầu về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019 với 74,26% thị phần. Tiếp đến là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Đánh giá về diễn biến rau quả trong nước, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, giá rau quả đa phần tăng. Trong đó, thanh long Bình Thuận đang được thu mua ở mức cao kỷ lục, từ 23.000 đến 24.000 đồng một kg, tăng 4-5 lần so với cùng kỳ năm 2018. Với vải thiều huyện Lục Ngạn giá bán tại vườn cũng tăng cao gấp ba lần so với mùa vải trước.

Dự báo, năm 2019 thị trường Trung Quốc nhập khẩu vượt 10 tỷ USD trái cây. Trong 4 tháng đầu năm nay, lượng nhập khẩu đã tăng lên 3,1 tỷ USD, vượt 26% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tăng nhanh nhất là măng cụt (chỉ tính riêng trong tháng 4, nhập khẩu măng cụt tăng 600%.

Cuối tháng 4, Trung Quốc vừa cấp phép nhập khẩu măng cụt của Việt Nam, là loại trái cây thứ 9 được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này (sau thanh long, vải, dưa hấu, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm).

Hồng Châu

Vnexpress