Bamboo Airways muốn tăng vốn lên 8.300 tỷ đồng để khai thác 30 tàu bay

Bamboo Airways muốn tăng vốn lên 8.300 tỷ đồng để khai thác 30 tàu bay

Trong 4 năm tới, hãng bay của FLC sẽ phải tăng vốn thêm khoảng 6.300 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu vận tải lớn hơn hiện nay.

Bộ Giao thông Vận tải vừa gửi UBND tỉnh Bình Định văn bản góp ý về điều chỉnh hồ sơ dự án đầu vận tải hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tại Cảng hàng không Phù Cát và những yêu cầu với hãng bay này. Theo hồ sơ điều chỉnh quy mô dự án, Bamboo Airways đề nghị điều chỉnh quy mô dự án giai đoạn 2019-2023 lên trên 30 tàu bay và nâng tổng mức đầu tư lên 8.300 tỷ đồng.

Hiện tại, hãng hàng không của Tập đoàn FLC khai thác 10 tàu bay và có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng. Mức vốn này có thể đạt 2.000 tỷ đồng khi FLC hoàn tất việc rót thêm 700 tỷ đồng vào Bamboo Airways thông qua phát hành cổ phiếu năm nay.

Máy bay A321neo của Bamboo Airways tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Anh Tú

Bộ Giao thông đánh giá, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có sự tăng trưởng cao, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước những năm qua. Tuy nhiên, các hãng hàng không muốn khai thác ổn định, có hiệu quả thì quy mô đội tàu bay tối thiểu phải 25-30 tàu bay. Do đó, cơ quan này thống nhất về chủ trương cho Bamboo Airways tăng số lượng tàu bay từ 10 lên 30 chiếc đến năm 2023.

Bộ đề nghị tỉnh Bình Định phối hợp Bộ Công an, Quốc phòng, Kế hoạch & Đầu tư, Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát thông tin, số liệu liên quan đến nguồn vốn đầu tư tại hồ sơ dự án, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Đối với Bamboo Airways, Bộ đưa ra 5 yêu cầu. Trong đó, hãng hàng không này phải xây dựng kế hoạch phát triển đội tàu bay đảm bảo phù hợp Quyết định của Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và chủ trương đầu tư được Thủ tướng phê duyệt.

Đồng thời, Bamboo Airways phải xây dựng kế hoạch phát triển và đào tạo nguồn nhân lực (đặc biệt là phi công, nhân viên kỹ thuật, bảo dưỡng tàu bay) phù hợp với quy mô tăng trưởng tàu bay đến năm 2023 để phát triển ổn định, bền vững và phù hợp với năng lực quản trị, khai thác an toàn tàu bay của hãng, năng lực phục vụ của cơ sở hạ tầng hàng không, năng lực giám sát an toàn của Cục Hàng không. Bộ nhấn mạnh, không để xảy ra tình trạng tranh giành phi công thiếu lành mạnh, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững chung của ngành hàng không.

Bên cạnh đó, hãng bay của FLC cũng được yêu cầu ưu tiên phát triển thị trường tại các cảng hàng không, sân bay còn dư công suất khai thác (sân bay địa phương) nhằm phát triển du lịch địa phương, tập trung khai thác vào khung giờ bay thấp điểm để giảm tình trạng quá tải.

Anh Tú

Vnexpress