CDO lên kế hoạch 2019 thoát lỗ dù những rối ren năm 2018 chưa được giải quyết

CDO lên kế hoạch 2019 thoát lỗ dù những rối ren năm 2018 chưa được giải quyết

CTCP Tư vấn Thiết kế và Phát triển Đô thị (UPCoM: CDO) vừa trình ĐHĐCĐ kế hoạch thoát lỗ trong năm 2019. Theo đó, CDO mục tiêu đạt lãi sau thuế 500 triệu đồng, điều này liệu có khả thi khi quý 1/2019 Công ty vẫn đang lỗ?

Kế hoạch trong năm 2019 có lãi liệu có khả thi?

Nguồn: VietstockFinance, CDO

Trước đó, CDO đã thông báo tổ chức ĐHĐCĐ năm 2019 vào tháng 6/2019. Tuy nhiên, ĐHĐCĐ năm 2019 lần 1 đã không đủ điều kiện để diễn ra do không đáp ứng yêu cầu về số lượng cổ đông tham dự.

CDO tổ chức ĐHĐCĐ lần 2 vào tháng 7/2019 với mục tiêu doanh thu ở mức 10 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với năm 2018. Lãi sau thuế năm 2019 được CDO đặt mục tiêu 500 triệu đồng, tích cực hơn rất nhiều so với khoản lỗ hơn 14 tỷ đồng trong năm 2018.

Về kế hoạch trong giai đoạn 2019-2023, CDO đặt mục tiêu tăng trưởng 5% doanh thu so với năm liền kề. Lãi trước thuế mục tiêu tăng trưởng 5% trên doanh thu. Và cũng trong giai đoạn này, CDO lên kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE hoặc HNX.

Kế hoạch “thoát lỗ” trong năm 2019 liệu có khả thi, khi kết thúc quý 1/2019 CDO đang lỗ gần 153 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số lỗ gần 25 triệu đồng trong quý 1/2018?

Điều "đặc biệt" trong kết quả kinh doanh của CDO năm 2018

Theo thông tin trên BCTC hợp nhất năm 2018, CDO không phát sinh doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân được CDO đưa ra là do Công ty tập trung thực hiện dự án tại Lào, và công việc kinh doanh khách sạn được chuyển giao cho công ty con. Chính vì thế, doanh thu từ việc kinh doanh khách sạn là đến từ công ty con và được trình bày trên BCTC hợp nhất năm 2018.

Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2018 của CDO

Chi phí khác trong năm 2018 là hơn 7.5 tỷ đồng; gấp rất nhiều lần so với hơn 10 triệu đồng năm 2017. Trong năm 2018, chi phí quản lý doanh nghiệp của CDO gần 7 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với năm 2017. Ngoài ra, chi phí tài chính cũng ở mức cao, hơn 1.5 tỷ đồng trong năm 2018.

CDO cho biết, năm 2018 chi phí chủ yếu đến từ chi phí tổ chức ĐHĐCĐ năm 2018, phí kiểm toán BCTC và phí chuyển tiền ngân hàng của khoản đầu tư ra nước ngoài cho công ty con ở Lào.

Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2018 của CDO

Tính đến 31/12/2018, tổng giá trị đầu tư của CDO tại các công ty liên doanh, liên kết là 74 tỷ đồng.

CDO cung cấp thêm, khoản lỗ lớn nhất là khoản trích lập dự phòng nợ phải thu và chi phí khác liên quan đến việc kết chuyển lỗ giá trị sản xuất kinh doanh dở dang phát sinh từ kỳ trước.

Năm 2018, CDO đánh giá  là một năm gặp nhiều khó khăn. CDO bị ảnh hưởng bởi các vấn đề liên quan đến niêm yết cổ phiếu, thay đổi hoạt động và phương hướng kinh doanh. Đồng thời, kết quả kinh doanh của CDO trong năm 2018 chưa tốt, doanh thu không phát sinh trong khi các chi phí liên quan đến kiểm toán, chuyển tiền đầu tư nước ngoài và đặc biệt là các khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi tăng lên dẫn tới lợi nhuận âm.

Hàng loạt ý kiến ngoại trừ trong BCTC hợp nhất CDO năm 2018

BCTC hợp nhất của CDO có sự tham gia của đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán và Thẩm định giá Việt Nam (AVA).  AVA đã đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ đối với BCTC hợp nhất năm 2018 của CDO.

Thứ nhất, công nợ phải thu của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Chung, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hồng Trang đã quá hạn thanh toán, cần trích lập dự phòng phải thu khó đòi theo quy định; ước tính là gần 16 tỷ đồng. Tuy nhiên, BCTC hợp nhất năm 2018 của CDO đang ghi nhận dự phòng phải thu khó đòi của hai công nợ trên số tiền gần 5 tỷ đồng. Nếu trích lập dự phòng đầy đủ thì lãi sau thuế của CDO sẽ giảm, và khoản lỗ năm 2018 sẽ tăng thêm gần 11 tỷ đồng. Giải trình về điều này, CDO cho biết đang thực hiện thu hồi công nợ đối với 2 công ty trên. CDO cũng đánh giá khả năng thu hồi nợ của 2 công ty này là khả thi, và sẽ thu hồi các khoản nợ này trong năm 2019.

Thứ hai, tại thời điểm lập báo cáo kiểm toán, AVA chỉ được tiếp cận BCTC chưa kiểm toán của các khoản đầu tư tài chính khác tại ngày 31/12/2018. Do đó, số liệu liên quan đến dự phòng khoản đầu tư tài chính khác được xác định trên cơ sở BCTC chưa được kiểm toán. Về vấn đề này, CDO giải trình nguyên nhân do các công ty liên doanh, liên kết với CDO chưa thực hiện kiểm toán BCTC năm 2018, do đó chưa đủ tài liệu để cung cấp cho đơn vị kiểm toán.

Thứ ba, do CDO chưa chấp hành tốt Luật quản lý thuế nên đang bị Cơ quan thuế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Tính đến thời điểm lập BCTC hợp nhất năm 2018, số thuế phải nộp Ngân sách Nhà nước tính đến 31/12/2019 theo thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chập nộp của Cục thuế là gần 39 tỷ đồng. Trong khi đó, số thuế phải nộp vào Ngân sách Nhà nước trên BCTC chỉ hơn 22 tỷ đồng, chênh lệch hơn 16 tỷ đồng. Về vấn đề thuế, CDO cho biết đã thực hiện quyết toán thuế đến hết năm 2015. Năm 2018, CDO đã có cam kết thanh toán dần hàng tháng đối với Chi cục thuế quận Ba Đình để giảm dần công nợ thuế. Đồng thời về phần chênh lệch, CDO đang tìm hướng để quyết toán thuế các năm 2016, 2017 và 2018 để làm rõ chênh lệch.

Lệ Nhi

Fili