Công ty sản xuất Mỹ lũ lượt rời Trung Quốc

Công ty sản xuất Mỹ lũ lượt rời Trung Quốc

Các nhà sản xuất Mỹ đang chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc tới các quốc gia khác khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung bước sang năm thứ hai.

Các công ty sản xuất giày Crocs, máy làm lạnh bia Yeti, máy hút bụi Roomba và camera GoPro đang sản xuất hàng hóa ở các quốc gia khác để né tránh hàng rào thuế quan của Mỹ. Apple cũng đang cân nhắc chuyển hoạt động lắp ráp giai đoạn cuối về một số sản phẩm ra khỏi Trung Quốc để né hàng rào thuế quan của Mỹ.

Nhà sản xuất nội thất Lovesac đang sản xuất 60% đồ nội thất ở Trung Quốc, giảm từ mức 75% tại thời điểm đầu năm 2019. “Chúng tôi đã chuyển sản xuất tới Việt Nam rất quyết liệt”, Shawn Nelson, Tổng Giám đốc Lovesac, cho hay. Ông Nelson cho biết ông định chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc vào cuối năm 2020.

Động thái của các công ty Mỹ đang dẫn tới sự sắp xếp lại các chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu khi họ chuẩn bị cho một giai đoạn căng thẳng thương mại kéo dài. Giám đốc điều hành tại các công ty đang chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc cho biết họ không hy vọng sẽ chuyển về lại Trung Quốc vì sẽ tốn thời gian và tiền bạc đầu tư vào việc thiết lập các cơ sở mới và thay đổi sắp xếp vận chuyển. Các công ty cho biết xu hướng dịch chuyển đã gia tăng sau khi Mỹ nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% trong tháng 5/2019.

“Một khi đã đi thì không trở lại”, ông Nelson cho hay.

Yeti Holdings Inc. cho biết họ lên kế hoạch chuyển hầu hết sản xuất máy làm mát ra khỏi Trung Quốc vào cuối năm nay. Công ty iRobot cho biết họ sẽ bắt đầu một dây chuyền sản xuất máy hút bụi Roomba mới tại Malaysia trong năm nay. Còn công ty Crocs cho biết họ dự kiến sản lượng giày được xuất khẩu tới Mỹ từ Trung Quốc sẽ còn dưới 10%, giảm từ 30% trong tháng 6/2019. Và nhà sản xuất động cơ diesel Cummins cho biết họ đã tránh được 50 triệu USD về tiền phí thuế quan bằng cách chuyển một số sản xuất sang Ấn Độ và các nước khác.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh nhất kể từ 10 năm trước – thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính.

“Chúng tôi đang chuyển hoạt động sản xuất sang các khu vực khác của thế giới”, Marvin Edwards, CEO của CommScope Holding, cho biết trong tháng 6/2019. Công ty CommScope Holding đang sản xuất ăng-ten để bán ở Mỹ tại nhà máy ở Ấn Độ thay vì Trung Quốc.

Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy các nhà sản xuất Mỹ chuyển sản xuất từ Trung Quốc trở lại Mỹ, một động thái mà chính quyền Trump hy vọng rằng hàng rào thuế quan sẽ thôi thúc các nhà sản xuất làm thế.

Trong tháng 5/2019, sản lượng sản xuất tại Mỹ đã giảm 1.5% so với mức đỉnh đã xác lập vào tháng 12/2018, theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trước đó trong tháng này, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết chỉ số sản xuất giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016 trong tháng 6/2019.

“Nếu xây dựng nhà máy ở Mỹ thì chi phí sẽ rất đắt đỏ”, John Hoge, đồng sở hữu của Sea Eagle Boats – công ty sản xuất 85% lượng thuyền kayak bơm hơi, ca nô và thuyền đánh cá thông qua các nhà sản xuất theo hợp đồng ở Trung Quốc, cho hay. Ông Hoge nhận định, xét về mạng lưới nhà sản xuất và nhà cung ứng thì khó có quốc gia nào sánh bằng Trung Quốc. “Mất 20 năm để xây dựng chuỗi cung ứng ở Trung Quốc”, ông cho hay.

Crown Crafts đã phân tích chi phí sản xuất tại 6 quốc gia trước khi quyết định tiếp tục sản xuất chăn trẻ em tại Trung Quốc bất chấp chi phí từ hàng rào thuế quan. “Rất khó để tìm ra một quốc gia có thể cạnh tranh với Trung Quốc”, ông Randall Chestnut, CEO của công ty Crown Crafts, nói với các nhà phân tích hồi tháng 6/2019.

Hơn 100 công ty đã yêu cầu Bộ Thương mại từ bỏ mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu của họ vì họ cho biết họ không thể tìm nhà cung ứng bên ngoài Trung Quốc.

Một công ty điển hình là Zoom Telephonics cho biết họ đã mất 1.1 triệu USD trong quý 1 và có khả năng nhiều hơn trong quý 2/2019 do việc áp thuế đối với các modem truyền hình cáp mà họ nhập khẩu từ Trung Quốc và bán thông qua Amazon.com, Best Buy và các nhà bán lẻ khác. Trong một cuộc phỏng vấn, Frank Manning, CEO của công ty Zoom Telephonics, cho biết: “Tôi không nghĩ có bất kỳ công ty nào sản xuất chúng ở Mỹ. Chúng tôi đang bị tác động nặng nề”.

Vũ Hạo (Theo Wall Street Journal)

FiLi