Harvard và Yale quản lý tiền như thế nào?

Harvard và Yale quản lý tiền như thế nào?

Các trường đại học lớn hiện có nguồn tiền lên đến hàng chục tỷ USD. Những quỹ này - thường là kết quả của việc hiến tặng - giúp hỗ trợ tài chính, giảng dạy và cải thiện nguồn lực cho các trường đại học. Quan trọng hơn là, với hàng tỷ USD để đầu tư, họ đủ khả năng thuê một số nhà đầu tư tốt nhất quản lý tiền của họ. Thế thì, nhà đầu tư có thể học được gì từ cách tiếp cận đầu tư của Harvard và Yale?

Đầu tư vào cổ phiếu       

Cả Harvard và Yale đều dành khoảng một nửa nguồn tiền đầu tư của họ cho cổ phiếu. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Cổ phiếu có “thành tích” dài hạn tuyệt vời khi mang lại một số lợi nhuận tốt nhất ở bất cứ đâu và các khoản hiến tặng đều có trọng tâm đầu tư dài hạn, do đó có thể chịu đựng được những thăng trầm vốn là một phần của đầu tư chứng khoán.

Tuy nhiên, cả hai đại học trên đều sử dụng các quỹ phòng hộ hoặc chiến lược hoàn vốn tuyệt đối như một phần quan trọng trong phương pháp đầu tư của họ. Điều này có nghĩa là họ không chỉ thực hiện một cách tiếp cận “mua và giữ”, mà thay vào đó đang tìm cách khai thác một số điều thiếu hiệu quả của thị trường thông qua các cổ phiếu cụ thể mà họ nắm giữ.

Cả Harvard và Yale đều sử dụng hình thức đầu tư góp vốn tư nhân (PE) khá nhiều, nghĩa là về cơ bản họ trực tiếp sở hữu toàn bộ các công ty, thay vì nắm giữ chúng thông qua thị trường chứng khoán. Những khoản đầu tư này có thể ít thanh khoản hơn, vì khó bán toàn bộ công ty hơn là chỉ một số cổ phần trong đó. Tuy nhiên, PE có thể mang lại triển vọng lợi nhuận vượt trội so với cổ phiếu công chúng, tùy thuộc vào kỹ năng của người quản lý.

Yale cũng bỏ rất nhiều tiền vào hình thức đầu tư mạo hiểm, tập trung vào các công ty mới, có triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, cho dù được thực hiện thông qua cổ phiếu công chúng, góp vốn tư nhân hay đầu tư mạo hiểm thì rõ ràng cả Harvard và Yale đều dành một phần đáng kể trong nguồn tiền của họ gắn liền với lợi nhuận của công ty.

Đa dạng hóa

Ý nghĩa rõ ràng khác từ các chiến lược đầu tư của cả Harvard và Yale là tầm quan trọng của đa dạng hóa. Ngoài cổ phiếu, họ thường nắm giữ bất động sản, tài nguyên thiên nhiên và trái phiếu. Tất cả những thứ này đều có thể cung cấp mức độ bảo vệ cho danh mục đầu tư trong tình huống xấu đối với các cổ phiếu, như suy thoái kinh tế hoặc lạm phát gia tăng. Harvard có lẽ bảo thủ hơn một chút, với khoảng 1/3 tài sản là bằng trái phiếu, tài sản, hàng hóa và tiền mặt. Đối với Yale, tỷ lệ này chỉ gần 1/5. Trong cả hai trường hợp, bất động sản đều là loại tài sản lớn nhất trong nhóm đa dạng hóa, điều mà có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên vì đã mang lại một số lợi nhuận tốt nhất trong lịch sử.

Đa dạng hóa cũng xuất hiện theo những cách khác. Ví dụ, phần lớn các khoản đầu tư cổ phần công của Yale là ở nước ngoài. Harvard sở hữu một loạt trái phiếu, cả tư nhân, Nhà nước lẫn loại chống lạm phát. Trong mọi trường hợp, mặc dù sự “thiên vị” đối với chứng khoán là hiển nhiên nhưng các khoản tiền đã được dàn trải ở nhiều lĩnh vực để chúng có thể mang lại lợi nhuận hợp lý trong các môi trường kinh tế khác nhau.

Đầu tư bền vững

Tiền của Harvard đặc biệt được tập trung vào đầu tư bền vững. Họ là tổ chức đầu tiên của Mỹ ký kết Nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc (PRI). Họ sử dụng các tiêu chí Quản trị và Xã hội Môi trường (ESG) trong tất cả mọi khía cạnh của việc lựa chọn đầu tư và giữ vị thế chủ động với tư cách là người chủ sở hữu để xác định các hành động tốt nhất. Điều này cũng đặc biệt quan trọng đối với vùng đất do Harvard sở hữu, nơi mà họ đảm bảo họ là người quản lý tốt các tài nguyên đó.

Vì vậy, mặc dù chúng ta không thể làm theo mọi khía cạnh trong phương pháp đầu tư của Yale và Harvard nhưng có một số bài học rõ ràng ở đây. Đầu tiên là niềm tin cơ bản vào cổ phiếu, như là động cơ của lợi nhuận dài hạn. Điều này có thể diễn ra theo nhiều cách khác nhau, từ đầu tư mạo hiểm đến góp vốn tư nhân. Tuy nhiên, niềm tin cơ bản rằng “nắm giữ một phần lợi nhuận của công ty là một tài sản hấp dẫn” là cốt lõi trong triết lý đầu tư của cả hai. Thứ hai, đa dạng hóa là điều hiển nhiên. Ở đây, bất động sản được sử dụng chủ yếu, còn tài nguyên thiên nhiên và trái phiếu được sử dụng ở mức độ ít hơn.

Nhã Thanh (Theo Forbes)

FILI