Ngoại Trưởng Trung Quốc: Áp lực Mỹ đang đặt lên Trung Quốc không thể chấp nhận được

Ngoại Trưởng Trung Quốc: Áp lực Mỹ đang đặt lên Trung Quốc không thể chấp nhận được

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng một cách thận trọng khi nói về cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung sắp diễn ra trong tuần này trong buổi viếng thăm chính thức tại Chile, ông cũng đồng thời bác bỏ những chỉ trích đến từ phía Mỹ về việc Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện tại khu vực Mỹ La-tinh.

Ông Vương là người tiếp theo tham gia vào nhóm quan chức cấp cao Trung Quốc cảnh báo về “áp lực từ Mỹ” và tranh chấp kéo dài giữa hai cường quốc.

Trong một bài phỏng vấn với báo Chile, El Mercurio, ngày Chủ nhật (28/07), ông Vương tập trung nói đến sự xung đột tiếp diễn giữa Trung Quốc và Mỹ về những vấn đế kéo dài từ thương mại và công nghệ đến sự bất đồng về địa chính trị, kể cả cuộc khủng hoảng ở Venezuela.

“Việc Washington đang không ngừng đặt áp lực lên Trung Quốc là điều không chấp nhận được”, ông Vương nói, thêm vào đó, ông cho biết mặc dù Bắc Kinh đã bày tỏ sự chân thành trong việc nối lại đàm phán thương mại nhưng việc thảo luận giữa hai quốc gia phải được “công bằng và bình đẳng”. Ông cũng cảnh báo “Trung Quốc phải bảo toàn những lợi ích cốt lõi của quốc gia trong các vấn đề có liên quan đến chủ quyền và phẩm chất của Trung Quốc”.

Ông Vương rất ca ngợi sự cởi mở của Chile đối với công nghệ 5G của Trung Quốc – một vấn đề nhạy cảm trên toàn cầu, đồng thời cũng là trọng tâm của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Khi Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo viếng thăm Chile vào tháng 04/2019, ông đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vì thiết lập “các bẫy nợ” ở khu vực Mỹ La-tinh, ông khẳng định Trung Quốc đã “bơm nguồn vốn ăn mòn vào các nền kinh tế chính, tạo nguồn sống cho tham nhũng và làm xói mòn sự quản lý tốt của Nhà nước”.

Cũng trong bài phỏng vấn, ông Vương nói rằng những lời khẳng định về bẫy nợ “hoàn toàn là định kiến” và là sự mô tả “vô trách nhiệm” về mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ La-tinh. Khi được hỏi đến những lời cảnh báo về việc sử dụng công nghệ Trung Quốc mà Mỹ đã thông báo cho các nước Mỹ La-tinh, ông Vương đánh giá cao “sự công bằng và cởi mở của thị trường viễn thông” ở Chile và tán dương các hoạt động của Huawei cũng như các công ty công nghệ khác của Trung Quốc tại nước này.

Mỹ và Trung Quốc cũng xảy ra bất hòa về cuộc khủng hoảng lãnh đạo ở Venezuela. Trung Quốc, Nga và những quốc gia khác ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro, trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido làm Tổng thống hợp pháp của Venezuela kể từ cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 01/2019.

Tờ báo Chile La Tercera đưa tin rằng cuộc khủng hoảng ở Venezuela đã trở thành chủ đề bàn luận chính trong cuộc họp kéo dài 1 giờ giữa ông Vương và Tổng thống Chile Sebastian Pinera cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Chile Teodoro Ribera vào ngày thứ Bảy (27/07) vừa qua.

Ông Vương kết thúc chuyến viếng thăm kéo dài hai ngày ở Chile vào ngày Chủ nhật (28/07) vừa qua, trước đó là chuyến viếng thăm 3 ngày tại Brazil để đối thoại song phương và tham dự cuộc họp với các Bộ trưởng BRICS đến từ các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Mỹ.

Các nhà đàm phán thương mại đến từ Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp mặt tại Thượng Hải vào ngày thứ Ba (30/07) và thứ Tư (31/07), đây là những cuộc họp mặt đầu tiên kể từ khi các cuộc đàm phán bị đổ vỡ vào tháng 05/2019. Nhưng trước thềm diễn ra các cuộc đàm phán, các bài viết mang tư tưởng thù địch đến từ cả hai phía đã tiếp diễn.

Vào ngày thứ Sáu (26/07), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi một bản ghi nhớ cho Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer nhằm thúc giục ông Lighthizer nhanh chóng gỡ bỏ trạng thái là một quốc gia đang phát triển của Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Vào ngày thứ Hai (29/07), Tân Hoa Xã gọi động thái trên của ông Trump “rõ ràng đã được lên kế hoạch từ trước… và là một biện pháp để thương lượng”, tờ báo còn nói rằng “chiến thuật áp đặt áp lực của Mỹ không phải là điều gì mới mẻ đối với Trung Quốc và chiến thuật đó chưa bao giờ thành công”.

Những người đứng đầu trong việc lên chính sách đối ngoại đưa ra lập trường cảnh giác hơn đối với tranh chấp thương mại kể từ khi các cuộc đàm phán sụp đổ, chuẩn bị đối phó với kịch bản xung đột kéo dài.

Thêm vào đó, mối quan hệ Mỹ-Trung dự kiến sẽ tiếp tục lao dốc sau nhiều năm căng thẳng tăng cao, theo một phân tích về thập kỷ cuối cùng của mối quan hệ song phương được công bố trên Tạp chí Chiến lược Trung Quốc vào tháng 07/2019.

Hai tác giả của bài phân tích – Giáo sư Wang Jisi và Giáo sư Hu Ran thuộc chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Peking – nói rằng việc mất niềm tin giữa hai quốc gia đang gia tăng bởi sự mất cân bằng thương mại, cạnh tranh công nghệ và tranh chấp lãnh thổ như ở vùng Biển Đông và việc này sẽ không có khả năng giảm bớt, cùng với “nhiều khúc mắc và cản trở” sẽ có khả năng xảy ra trong tương lai.

Vũ Hạo (Theo SCMP)

FiLi