Nikkei: Hơn 50 công ty tháo chạy khỏi Trung Quốc vì thương chiến Mỹ-Trung

Nikkei: Hơn 50 công ty tháo chạy khỏi Trung Quốc vì thương chiến Mỹ-Trung

Trung Quốc đang gấp rút tìm cách giữ chân những doanh nghiệp nước ngoài ở lại, tạo ra những lợi ích đặc biệt đến nỗi lợi ích của việc ở lại còn cao hơn cả tác động từ hàng rào thuế quan của Mỹ.

Hơn 1 năm chiến tranh thương mại với Washington, hơn 50 công ty toàn cầu, bao gồm cả Apple và Nintendo, đã thông báo hoặc đang cân nhắc kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, bộ phận nghiên cứu của Nikkei phát hiện ra.

Và không chỉ các công ty nước ngoài tháo chạy. Các công ty sản xuất của Trung Quốc và Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan, cũng đang lũ lượt di cư khỏi Trung Quốc. Trong đó đáng nói tới nhất là những công ty sản xuất máy tính cá nhân, điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác.

“Chúng tôi cần những biện pháp lâu dài để né tránh rủi ro thuế quan và đủ điều kiện cho các đợt thu mua của Chính phủ Mỹ”, Kiyofumi Kakudo, CEO của công ty sản xuất máy tính cá nhân Dynabook, cho hay. Dynabook – trực thuộc Sharp – đang cân nhắc kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất máy tính cá nhân được bán ở Mỹ tới một nhà máy mới ở Việt Nam. Phần hoạt động được chuyển sang Việt Nam chiếm khoảng 10% tổng sản lượng của Dynabook.

Dynabook sản xuất gần như toàn bộ máy tính cá nhân ở Trung Quốc, chủ yếu ở nhà máy ở Hàng Châu, cách Thượng Hải khoảng 175 km về phía Tây Nam. “Mặc dù vòng áp hàng rào thuế quan thứ 4 của Mỹ đã tạm thời ngừng triển khai, nhưng chúng tôi không thể nói điều gì sẽ xảy ra hoặc khi nào thì điều đó xảy ra”, Kakudo cho hay.

Apple đã kêu gọi các nhà cung ứng chủ chốt của họ cân nhắc chuyển 15-30% hoạt động sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc. Hôm thứ Tư (17/07), Nikkei Asian Review đưa tin Apple chuẩn bị bắt đầu sản xuất thử nghiệm tai nghe không dây AirPods ở Việt Nam. Quá trình thử nghiệm như thế này thường là bước chuẩn bị để sản xuất số lượng lớn.

Hai nhà sản xuất máy tính cá nhân HP và Dell của Mỹ đang tính chuyển 30% dây chuyền sản xuất máy tính cá nhân ở Trung Quốc tới các quốc gia Đông Nam Á và những nơi khác. Nintendo của Nhật Bản cũng sẽ chuyển một phần dây chuyền sản xuất thiết bị Switch từ Trung Quốc đến Việt Nam.

Các chuyên gia lo ngại những động thái di cư này có thể gây thiệt hại đến thị trường việc làm và lượng tiêu thụ ở Trung Quốc. Để giảm thiểu tác động, Bắc Kinh đang trải thảm đỏ cho những doanh nghiệp nước ngoài.

Tesla là một ví dụ điển hình. Công ty này hiện đang chuyển thiết bị vào nhà máy mới ở vùng ngoại ô của Thượng Hải và nhà máy này chỉ mới được khởi công xây dựng từ nửa năm trước. Tesla đang tuyển dụng thêm nhân viên ngay vào đầu tháng 8/2019.

Theo các chuyên gia, Nhà sản xuất xe điện này có khả năng được chính quyền địa phương giảm giá mua đất và cũng có thể nhận được khoản cho vay giá rẻ.

Trung Quốc đã dần dần mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài kể từ năm 2018, khi căng thẳng thương mại với Mỹ ngày càng sâu sắc. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc tăng 3.5% lên khoảng 70.7 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019, theo Bộ Thương mại Trung Quốc.

Nước này đã tuyên bố vào cuối tháng 6 rằng họ sẽ nới lỏng hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong 7 lĩnh vực, bao gồm cả dầu khí. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cố gắng đẩy mạnh kế hoạch mở cửa lĩnh vực tài chính.

Liệu điều đó có đủ để bù đắp cho những tác động từ chiến tranh thương mại? Đó vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Tại một nhà máy chính của UE Furniture, cách Thượng Hải khoảng 200 km về phía Tây, các nhân viên bắt đầu rời khỏi tòa nhà vào lúc 16h30.

“Chúng tôi không muốn làm việc quá giờ vì hàng rào thuế quan”, một nhân viên cho biết, cũng tương tự với nhận định của các nhân viên khác. Công ty đã quyết định thiết lập cơ sở sản xuất ở Việt Nam để tránh hàng rào thuế quan của Mỹ. Cho đến nay, họ dường như không giảm bớt nhân viên tại Trung Quốc, nhưng thu nhập của nhân viên đang giảm bớt vì họ làm việc ít hơn.

Tình hình này đang dần trở thành “cơn đau đầu” với các nhà lãnh đạo chính trị. Tháng 5/2019, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc quyết định thiết lập một nhóm dẫn dắt các biện pháp việc làm và kế hoạch đẩy mạnh các chương trình đào tạo việc làm bằng cách sử dụng quỹ thặng dư từ các chương trình bảo hiểm Nhà nước.

Xung đột thương mại Mỹ-Trung đang bắt đầu thể hiện tác động tới dòng hàng hóa và dòng vốn. Trong 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu từ Trung Quốc đến Mỹ đã giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, trong khi xuất khẩu từ Ấn Độ, Việt Nam và Đài Loan tăng 2 con số.

Cảm thấy lo ngại về khả năng xung đột thương mại kéo dài, nhiều công ty đang tiến hành phòng ngừa. Trong lúc tìm kiếm nơi để sản xuất hàng hóa bán cho Mỹ, nhiều công ty sẽ tiếp tục hoạt động tại Trung Quốc để tận dụng thị trường nội địa. Do đó, nhiều nhà sản xuất sẽ bị buộc thiết lập chuỗi cung ứng kép: Một dành cho Trung Quốc và một dành cho các thị trường khác, qua đó làm gia tăng chi phí và giảm bớt lợi nhuận.

“Khả năng thị trường thế giới phân tách thành Trung Quốc và phi Trung Quốc đang gia tăng”, Yuji Miura, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản, cho hay. Khả năng tách rời giữa kinh tế Mỹ và Trung Quốc và sự chia rẽ của nền kinh tế thế giới thành những khối thù địch với nhau dần trở nên thực tế hơn.

Ngoài việc chi phí gia tăng, các công ty có thể đối mặt với tình trạng công suất dư thừa trong một nền kinh tế toàn cầu bị tách rời.

Quanta Computer, nhà sản xuất máy tính cá nhân theo hợp đồng của Đài Loan, bao gồm sản xuất cả MacBook của Apple, dự kiến chuyển một phần hoạt động đến Đài Loan. Thế nhưng, cuộc đàm phán với các công ty khách hàng về chi phí của việc chuyển hoạt động sản xuất được cho sẽ là khá khó khăn. Biên lợi nhuận của Quanta không thể thấp hơn nữa, theo CEO Barry Lam.

Một nhà sản xuất thiết bị máy móc của Nhật Bản đã chuyển hoạt động sản xuất hàng hóa cho thị trường Mỹ đến một quốc gia Đông Nam Á. Vì vị trí mới không có chuỗi cung ứng sâu rộng như ở Trung Quốc, một vị giám đốc cho biết: “Chúng tôi cần chuyển các bộ phận ra khỏi Trung Quốc hoặc thiết lập một mạng lưới mới. Trong cả hai trường hợp, chi phí đều tăng”.

Kể từ tháng 7/2018, chính quyền Mỹ đã triển khai 3 vòng áp hàng rào thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, bao gồm 250 tỷ USD hàng hóa. Mặc dù vòng áp thuế thứ 4 đã bị tạm ngưng triển khai, nhưng các công ty cần phải chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất.

Phần lớn xu hướng chuyển hoạt động sản xuất là đến Đông Nam Á, nhất là Việt Nam. Việt Nam dần trở thành “nhà” của nhiều công ty sản xuất thiết bị điện và điện tử. Trong số các công ty này là Samsung Electronics của Hàn Quốc – vốn đang sản xuất điện thoại thông minh tại Việt Nam.

Kyocero của Nhật Bản đang cân nhắc chuyển dây chuyền sản xuất máy in đến Việt Nam. Nhà sản xuất thiết bị điện tử TCL của Trung Quốc sẽ lập một nhà máy sản xuất tivi ở Việt Nam.

Vũ Hạo (Theo Nikkei Asian Review)

FiLi