Thương chiến đe dọa tới sự tồn tại của các nhà máy Trung Quốc

Thương chiến đe dọa tới sự tồn tại của các nhà máy Trung Quốc

Nhà cung cấp hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới cho biết các nhà máy của Trung Quốc đang dần trở nên tuyệt vọng khi những nhà bán lẻ của Mỹ đẩy nhanh quá trình chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc giữa lúc chiến tranh thương mại căng thẳng.

Trung Quốc sẽ chứng kiến thêm nhiều trường hợp đóng cửa nhà máy khi cuộc chiến thương mại đẩy nhanh làn sóng di cư ra khỏi Trung Quốc, Spencer Fung, Giám đốc điều hành của Li & Fung, cho hay. Công ty Li & Fung – vốn chuyên về thiết kế, nhập và chuyển hàng tiêu dùng từ châu Á cho các nhà bán lẻ lớn nhất thế giới bao gồm Walmart và Nike – đang bị các khách hàng Mỹ thôi thúc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Spencer Fung, Giám đốc điều hành của Li & Fung

“Các khách hàng Mỹ chắc chắn đang rất, rất lo ngại”, ông Fung cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg. “Các công ty đang tạo ra biên lợi nhuận rất mỏng và hầu hết công ty đều nhập hàng nhiều từ Trung Quốc. Vì vậy, nếu nguồn nhập hàng lớn nhất phải tăng giá thêm 25%, họ tất nhiên phải lo ngại”, ông nói, đề cập tới lời đe dọa áp thuế lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Làn sóng di cư

Với vai trò trung gian kết nối các ông lớn bán lẻ của Mỹ với các nhà máy có chi phí thấp ở châu Á, Li & Fung có một góc nhìn khá độc đáo về sự dịch chuyển có phần chấn động đang diễn ra trên khắp thế giới. Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã nối lại đàm phán thương mại, nhưng cũng xuất hiện nhiều tín hiệu cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu – vốn từ lâu đã phụ thuộc vào Trung Quốc như công xướng của thế giới – dường như đang có những bước chuyển mình. Intel cho biết họ đang đánh giá lại chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi những công ty khác như Apple và Amazon cũng đang xem xét tới kế hoạch chuyển sản xuất.

“Chẳng ai đầu tư, chẳng ai mua. Cuộc thương chiến đang khiến mọi người ngừng đầu tư vì họ không biết rót tiền vào đâu cả”, vị CEO này cho hay. “Nhiều người đổ tiền vào Việt Nam chỉ vì một dòng tweet”, ông đề cập tới thói quen thông báo chính sách thương mại lên mạng xã hội của ông Trump.

Vì phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Li & Fung sẽ thấy nguồn hàng từ Trung Quốc giảm từ 59% (năm 2015) xuống dưới 50% lần đầu tiên trong năm nay.

Trong lúc các nhà máy Trung Quốc bị tác động mạnh thì các nhà sản xuất khác ở châu Á lại hưởng lợi, nhưng chỉ đến một mức độ nào đó. Sau khi lũ lượt thoát khỏi Trung Quốc, các nhà bán lẻ của Mỹ đổ bộ đến Việt Nam và đã chiếm lấy gần như toàn bộ công suất sản xuất ở Việt Nam, ông Fung cho biết.

“Việt Nam đã đầy rồi, hoàn toàn đầy rồi”, ông nói. “Chẳng còn chỗ đâu để các công ty Mỹ nhảy vào”.

Trong khi đó, các nhà máy Trung Quốc đang hạ giá bán trong tuyệt vọng, tạo cơ hội cho các thương hiệu tiêu dùng châu Âu và Nhật Bản. Li & Fung đang khuyến khích các khách hàng khác chuyển đến Trung Quốc.

“Đây là cơ hội mua dành cho các nhà bán lẻ châu Âu”, ông Fung cho biết. “Tại Trung Quốc, rất nhiều nhà máy có đơn hàng ngày càng ít. Họ cung cấp mức giá khá tốt cho bất cứ ai”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi