TTF: Lỗ nửa chặng đường

TTF: Lỗ nửa chặng đường

Thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) báo lỗ ròng gần 288 tỷ đồng trong quý 2/2019, xấp xỉ một nửa kế hoạch lỗ đặt ra cho cả năm.

TTF đạt doanh thu thuần hơn 107 tỷ đồng trong quý 2/2019, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Công ty thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho bổ sung đối với hàng dở dang, thành phẩm và hàng chậm luân chuyển, qua đó ghi nhận giá vốn lên đến hơn 328 tỷ đồng và chấp nhận khoản lỗ gộp trên 221 tỷ đồng trong quý 2 này.

Về hàng tồn kho của Công ty, tại Đại hội thường niên 2019 Chủ tịch TTF - ông Mai Hữu Tín từng chia sẻ rằng trước tiên sẽ tiến hành trích lập dự phòng toàn bộ, sau đó sẽ thực hiện thanh lý dần để đảm bảo về mặt kinh tế, pháp lý cho doanh nghiệp. “TTF có một ban thanh lý đi kiểm từng thanh gỗ một, để có thể bán một cách thận trọng, bán đúng giá nhất”, ông nói.

Trở lại quý 2/2019, dù không quá lớn về giá trị tuyệt đối, chi phí nhân viên bán hàng ghi nhận gần 11.4 tỷ đồng, gấp gần 8.5 lần quý 2/2018; trong khi chi phí nhân viên quản lý chỉ bằng khoảng 1/2, ghi nhận giá trị hơn 9.5 tỷ đồng.

Với việc chi phí lãi vay giảm gần 41% và không ghi nhận lỗ chuyển nhượng vốn, chi phí hoạt động tài chính của TTF trong quý 2/2019 chỉ ở mức hơn 29 tỷ đồng, chưa đến 1/2 con số ghi nhận cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, nhờ không còn trích lập dự phòng phải thu khó đòi (công nợ quá hạn thanh toán), TTF ghi nhận lỗ ròng gần 288 tỷ đồng trong quý 2/2019, giảm mạnh so với khoản lỗ 685 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh của TTF trong quý 2/2019
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2019 của TTF

Tổng kết 6 tháng đầu 2019, TTF ghi nhận hơn 305 tỷ đồng doanh thu thuần và lỗ hợp nhất gần 291 tỷ đồng, tương ứng thực hiện gần 25% và hơn 49% kế hoạch kinh doanh đề ra cả năm.

So sánh thời điểm cuối quý 2 với đầu năm 2019, tài sản ngắn hạn của TTF giảm hơn 20% (xấp xỉ 419 tỷ đồng); chủ yếu giảm ở các khoản mục phải thu khách hàng, phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng (HĐXD), hàng tồn kho.

Vào cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên cách đây 1 tháng, Chủ tịch TTF - ông Mai Hữu Tín cho biết năm 2019 sẽ là thời điểm “giải quyết tất cả các tồn đọng từ trước đến nay”, để sang 2020 sẽ “sạch” toàn bộ. Ông Tín cũng cho biết thêm rằng thực tế nếu không thực hiện trích lập dự phòng thì TTF vẫn có lãi đối với hoạt động kinh doanh.

TTF sẽ tự đảm bảo được nguồn vốn?

Về mặt nguồn vốn, vốn điều lệ của TTF đã được nâng lên mức gần 3,112 tỷ đồng sau khi hoàn tất thương vụ sáp nhập CTCP Sứ Thiên Thanh, qua đó tạo thêm “room” để TTF có thể tiếp tục việc thực hiện trích lập dự phòng. TTF cũng ghi nhận một khoản lợi thế thương mại xấp xỉ 296 tỷ đồng vào cuối quý 2/2019, nhiều khả năng liên quan đến thương vụ này.

Tổng nguồn vốn của Công ty vào cuối quý 2/2019 là hơn 2,652 tỷ đồng, với gần 2,588 tỷ đồng là nợ phải trả. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn lần lượt xấp xỉ 138 tỷ đồng và 363 tỷ đồng.

Xem xét kỹ hơn, thực tế TTF vẫn còn ít nhất 2 khoản “nợ” phải trả lãi, đó là: Hơn 1,100 tỷ đồng liên quan đến nhóm Vingroup (lãi suất khoảng 6-7%); 342 tỷ đồng liên quan đến việc sử dụng tài sản cấn trừ nợ vay của Ngân hàng TMCP Việt Á và thuê lại để hoạt động.

Dù vậy, phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, vị Chủ tịch TTF bày tỏ sự tự tin về khả năng tự bảo đảm nguồn vốn hoạt động của Công ty. “Thực tế, TTF hiện đang không cần thêm nguồn tiền nữa”, ông Tín nói.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của TTF ghi nhận dương gần 107 tỷ đồng, tổng lưu chuyển tiền thuần là hơn 96 tỷ đồng. Vào thời điểm 30/06/2019, tổng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của Công ty là gần 314 tỷ đồng.

Thừa Vân

FILI