Dầu sụt giảm 2 phiên liên tiếp do lo ngại về thương mại, suy thoái

Dầu sụt giảm 2 phiên liên tiếp do lo ngại về thương mại, suy thoái

Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm phiên thứ 2 liên tiếp vào ngày thứ Năm (15/08), khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục làm dấy lên lo ngại về đà giảm tốc kinh tế toàn cầu có thể gây sức ép lên nhu cầu, MarketWatch đưa tin.

Trong khi đó, giá của khí thiên nhiên nhảy vọt lên mức cao nhất từ đầu tháng đến nay, sau báo cáo cho thấy nguồn cung khí này tăng thấp hơn dự báo, khi dự báo thời tiết ấm hơn đã thúc đẩy triển vọng nhu cầu nhiên liệu này.

“Thị trường dầu đang giao dịch với nhiều lo ngại, khi dữ liệu kinh tế yếu kém trên toàn cầu cho thấy nhu cầu dầu thô có thể giảm xuống”, Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, nhận định.

“Tuy nhiên, những con số thực tế cho thấy đà giảm tốc có thể bị cường điệu hóa, và chúng ta có thể tin tưởng vào những biện pháp kích thích kinh tế. Cuối cùng: Hãy kiên nhẫn. Đừng hoảng sợ. Tìm kiếm cơ hội”, ông Flynn chia sẻ.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9 trên sàn Nymex lùi 76 xu (tương đương 1.4%) xuống 54.47 USD/thùng, sau khi dao động tại mức thấp 53.77 USD/thùng.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 10 trên sàn Luân Đôn mất 1.25 USD (tương đươg 2.1%) còn 58.23 USD/thùng.

Dầu thô suy yếu khi Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng “các biện pháp đối phó cần thiết” không xác định nếu Mỹ có kế hoạch áp thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 01/09 tới. Động thái này đưa ra sau khi Chính quyền ông Trump hồi đầu tuần này cho biết sẽ hoãn áp thuế cho đến giữa tháng 12/2019.

Đà sụt giảm phần nào nóng vội sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh vẫn giữ hy vọng về một giải pháp cho bất đồng thương mại.

Trong khi đó, sự đảo ngược tạm thời thước đo quan trọng của đường cong lợi suất Mỹ, với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rớt xuống thấp hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm, vào sáng ngày thứ Tư (14/08) đã góp phần làm chao đảo thị trường chứng khoán, theo đó Dow Jones ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong năm 2019. Sự đảo ngược đường cong lợi suất được xem là một tín hiệu về khả năng suy thoái, mặc dù có kèm theo độ trễ.

Hiện tượng này đã góp phần làm tăng lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh dữ liệu yếu kém từ Trung Quốc và châu Âu và dẫn đến làn sóng bán tháo mạnh mẽ các tài sản khác, bao gồm dầu mỏ.

Giá dầu cũng lao dốc trong ngày thứ Tư (14/08) sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa tăng 2 tuần liên tiếp, cộng 1.6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 09/08/2019.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 9 sụt 2.4% xuống 1.6364 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 9 mất 1.8% còn 1.8107 USD/gallon.

Trong khi đó, các hợp đồng khí thiên nhiên nhảy vọt trong ngày thứ Năm khi EIA ghi nhận rằng nguồn cung khí thiên nhiên tăng 49 tỷ feet khối trong tuần kết thúc ngày 09/08/2019, thấp hơn so với dự báo vọt 54 tỷ feet khối từ cuộc thăm dò của Platts.

Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 9 vọt 4.2% lên 2.232 USD/MMBtu.

An Trần

Fili