Ngân hàng tiếp tục cuộc đua tăng lãi suất huy động

Ngân hàng tiếp tục cuộc đua tăng lãi suất huy động

Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên với mức khá cao.

Từ ngày 17/08/2019, khách hàng cá nhân có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm tại ABBank sẽ được hưởng mức lãi suất là 7.5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 8.5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. So với mức lãi suất cũ, ABBank đã tăng lần lượt 0.7% và 0.8%/năm cho mỗi kỳ hạn.

SHB cũng vừa thông báo điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm cho khách hàng tham gia gửi tiết kiệm bậc thang theo số tiền. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên đến 7.8%/năm, kỳ hạn 9 tháng, 12 tháng và 13 tháng, mức lãi suất tối đa sẽ lần lượt là 8%/năm, 8.1%/năm và 8.2%/năm. Trước đó, lãi suất cao nhất của ngân hàng này chỉ ở mức 7.2%/năm.

Như vậy, SHB chính thức gia nhập top 10 ngân hàng có lãi suất huy động cao, cao hơn cả của VIB (8.19%/năm cho khoản tiền 500 tỷ đồng) và NCB (8%/năm).

Từ ngày 12/08/2019, OCB áp dụng biểu lãi suất mới ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, mức lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất tại quầy và online của nhà băng này là 8%/năm và 8.1%/năm kỳ hạn 36 tháng trong khi trước đó chỉ ở mức 7.6%/năm và 7.7%/năm.

Eximbank tiếp tục áp dụng biểu lãi suất mới từ 20/08/2019. Theo đó, lãi suất cao nhất khi gửi tiết kiệm tại quầy của Eximbank áp dụng từ hôm nay (20/08/2019) là 8.4%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, 24 tháng, 36 tháng thay vì 8%/năm như trước đây. Riêng lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng vọt từ 6.8%/năm lên 7.8%/năm.

Top 10 lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng tại một số ngân hàng.

Mới đây, một số ngân hàng cũng đang huy động vốn qua việc phát hành chứng chỉ tiền gửi. Chẳng hạn như Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) chính thức phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 10.2%/năm.

Cụ thể, chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân có mệnh giá từ 10 triệu đồng, dành cho khách hàng tổ chức mệnh giá từ 100 triệu đồng với 4 kỳ hạn cố định: 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng. Tương ứng với các kỳ hạn gửi là mức lãi 9.5%/năm, 9.8%/năm, 10%/năm và 10.2%/năm.

Trước đó, từ ngày 08/08, VIB đã phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng, trả lãi 12 tháng với lãi suất 9.1%/năm. Số tiền gửi tối thiểu chỉ 10 triệu đồng.

Chứng chỉ tiền gửi (Certificate of deposit) là một loại giấy tờ có giá do ngân hàng phát hành để huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân khác.

Chứng chỉ tiền gửi là một hình thức huy động vốn của các ngân hàng nên nhược điểm lớn nhất của việc mua chứng chỉ tiền gửi đó là người mua bắt buộc không được thanh toán trước hạn.

Vì thế, trong thời hạn mua chứng chỉ tiền gửi, nếu khách hàng có nhu cầu sử dụng vốn trước thời gian đáo hạn thì chỉ có thể bán hoặc cầm cố chứng chỉ tiền gửi để vay lại và tất nhiên, lãi suất cho vay lại sẽ cao hơn lãi suất mà ngân hàng trả cho người mua. 

Cát Lam

FILI