Tiền mặt không còn là “vua” khi lãi suất toàn cầu lao dốc

Tiền mặt không còn là “vua” khi lãi suất toàn cầu lao dốc

Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2008 vào tuần trước, mọi người đã nhanh chóng chỉ ra đó là tin tốt cho người tiêu dùng và các công ty muốn vay tiền.

Mặc dù lãi suất thấp hơn là tin tốt cho bất kỳ ai mang nợ nhưng chúng lại là “lời nguyền” cho ai cần giữ tiền mặt.

Gene Dunford, giám đốc ngân hàng doanh nghiệp của Umpqua, cho biết: "Đây là thời điểm tuyệt vời cho các doanh nghiệp vay để mở rộng vì lợi suất trái phiếu dài hạn rất thấp. Tuy nhiên, lãi suất thấp là con dao hai lưỡi".

Phố Wall kỳ vọng sẽ có nhiều đợt giảm lãi suất hơn nữa trong những tháng tới. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang lên cao. Thị trường biến động – các cổ phiếu Mỹ lại sụt giảm vào thứ Tư tuần trước. Nhà đầu tư bảo thủ có thể bị đe dọa hơn nữa.

Lợi nhuận từ tiền mặt và trái phiếu bằng không

Vào hôm thứ Tư vừa qua, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ thời hạn 10 năm đạt mức thấp nhất trong ba năm qua, chỉ 1.62%, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Fed cắt giảm lãi suất "lớn hơn và nhanh hơn", đồng thời các ngân hàng trung ương ở Ấn Độ, New Zealand và Thái Lan đều cắt giảm lãi suất.

Và lợi suất trái phiếu âm ở nhiều vùng của châu Âu.

Đó là kịch bản thậm chí còn nghiệt ngã hơn đối với những người đang gửi tiền vào ngân hàng. Theo số liệu mới nhất từ ​​FDIC, tài khoản tiết kiệm trung bình chỉ được trả lãi suất 0.09%, trong khi tài khoản thị trường tiền tệ chỉ mang lại 0.18%.

"Có nhiều vấn đề đối với người tiết kiệm. Nếu bạn có tất cả khoản đầu tư bằng tiền mặt thì tất cả đều như nhau, nghĩa là lãi suất thấp hơn và lợi nhuận thấp hơn", Michael Reynold, nhân viên chiến lược đầu tư tại Glenmede Trust Company, cho biết.

Reynold cho rằng các nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm dòng thu nhập ổn định giờ có lẽ tốt hơn nên mua những cổ phiếu trả cổ tức, vốn sẽ có lợi nếu Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất để ổn định nền kinh tế Mỹ và cũng mang lại lợi suất cao hơn trái phiếu.

"Nếu mọi người lo lắng về cuộc chiến thương mại thì có những nơi để ẩn nấp. Các cổ phiếu bất động sản và dịch vụ tiện ích trả cổ tức lớn và có một phần nhỏ kinh doanh của họ ở nước ngoài”, Reynold nói.

Với ý nghĩ đó, cả quỹ ETF Real Estate Select Sector SPDR  lẫn quỹ ETF Utilities Select Sector SPDR đã hoạt động tương đối tốt trong tuần qua.

Các công ty viễn thông lớn trả cổ tức khổng lồ, như công ty mẹ của Verizon và CNN là AT & T, cũng có thể là nơi an toàn hơn để ẩn nấp.

Charlotte Geletka, giám đốc điều hành của Silver Penny Financial Planning, cũng nói rằng các nhà đầu tư muốn tiết kiệm phải mở rộng tầm nhìn. Cổ phiếu có thể rủi ro nhưng giải pháp thay thế là bỏ tiền của bạn vào những tài sản sẽ tạo ra rất ít lợi nhuận, nếu có.

Nhà đầu tư sợ hãi đổ xô đến tài sản an toàn

"Chúng tôi có nhiều khách hàng có tiền mặt. Nhiều người trong số họ vẫn bị PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn) từ cuộc khủng hoảng 2008 và 2009. Tuy nhiên, chúng tôi đang cố gắng thúc giục mọi người tăng thêm các khoản đầu tư rủi ro. Nếu đang cố gắng lên kế hoạch cho việc nghỉ hưu, bạn sẽ cần một ít tăng trưởng. Bạn không thể đẩy mọi thứ vào trái phiếu và tiền mặt”, Geletka nói.

Dù vậy, Geletka thừa nhận một số nhà đầu tư không thích rủi ro sẽ có xu hướng tìm kiếm trái phiếu thay vì cổ phiếu để tạo ra thu nhập. Bà đề xuất trái phiếu đô thị như một cách để người tiết kiệm thử và có được một số lợi nhuận trong danh mục đầu tư của họ.

Chẳng hạn, iShares National Muni Bond và SPDR Nuveen Bloomberg Barclays Muni Bond là hai quỹ trái phiếu đô thị trả lãi suất 2%.

Tuy vậy, ngay cả các mức lợi tức đó cũng tương đối thấp. Vì vậy, nếu nhà đầu tư đang sợ hãi và chuyển tiền vào những trái phiếu và cổ phiếu trả cổ tức, thì có thể có rất ít cơ hội để người tiết kiệm kiếm được tỷ lệ lợi nhuận khá.

"Tiết kiệm là mục tiêu đáng khen ngợi nhưng có một dòng tiền đổ vào sự an toàn đang làm giảm lợi tức. Vì vậy, mọi người sẽ tiếp tục bị buộc phải bỏ tiền vào các khoản đầu tư rủi ro cao hơn", Tim Courtney, giám đốc đầu tư của Exencial Wealth Advisors, nói.

Nhã Thanh (Theo CNN)

FILI