Châu Á sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế thế giới?

Châu Á sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế thế giới?

Tăng trưởng ở các thị trường mới nổi là yếu tố quan trọng nhất hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu, tại thời điểm các nước tiên tiến đang có nguy cơ gây ảnh hưởng đến cả hệ thống chung.

Đó là quan điểm của cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Lan Goldin, người đã nói với CNBC hôm thứ Hai rằng tác động hạn chế của cuộc chiến thương mại đối với Mỹ có liên quan nhiều đến những yếu tố bên ngoài hơn là sức khỏe kinh tế của nước này.

Goldin cho biết nền kinh tế nội địa của Mỹ đã được hưởng một liều “doping” nhờ kết quả của việc kích thích tài khóa, chẳng hạn như những đợt cắt giảm thuế do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng sức mạnh cơ bản phần lớn đến từ các thị trường nước ngoài.

“Trung bình các thị trường mới nổi đang tăng trưởng hơn 4.5% và điều đó đang thúc đẩy cả nền kinh tế thế giới” - ông Goldin, nay là Giáo sư tại Đại học Oxford, phân tích.

“Nếu không nhờ sự tăng trưởng của các thị trường mới nổi thì chúng ta đã thấy sự tăng trưởng chậm hơn nhiều ở Mỹ và châu Âu”, ông nói với phóng viên Tanvir Gill của CNBC.

Trung Quốc và các nước đang phát triển ở châu Á luôn đi đầu trong sự tăng trưởng đó, Goldin lưu ý.

Ông cho biết bản thân đang kỳ vọng sự tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – Trung Quốc – được duy trì mạnh mẽ ở mức 6% trong thập kỷ tới, trong khi các thị trường mới nổi xung quanh sẽ phản ánh chặt chẽ điều đó.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta đang thấy một sự tái cân bằng, một sự tái cân bằng lịch sử. Rõ ràng là trọng tâm đang di chuyển đến châu Á. Đây là điều tốt. Chúng ta sẽ có sự tăng trưởng toàn cầu nhiều hơn nữa ở những nơi đang cần đến điều này, đó là ở các nước đang phát triển” - Giáo sư Goldin nêu quan điểm.

Mỹ và Anh đang ở giai đoạn “khủng hoảng tuổi trung niên”

Sự chuyển dịch đó sẽ làm cho nền kinh tế toàn cầu nhanh hồi phục hơn so với những gì đã xảy ra trong quá khứ.

“Khi Mỹ bị ‘cảm lạnh’, phần còn lại của thế giới sẽ không bị ‘sốt’ như trước đây” - Giáo sư Goldin ví von.

Tuy vậy, điều này không có nghĩa nó sẽ giúp cho Mỹ “miễn dịch” khỏi sự giảm tốc trong tương lai. Trên thực tế, nếu Mỹ càng trở nên “chỉ biết đến mình”, họ sẽ càng dễ bị tổn thương hơn, Goldin nói. Ông dự đoán Mỹ sẽ bị tăng trưởng chậm lại khi nước này bước vào cuộc bầu cử năm 2020, và khi Tổng thống Trump “phát biểu càng nhiều”.

Goldin ví sự chuyển đổi đó là “một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên” của Mỹ, Anh và ở một mức độ thấp hơn là châu Âu, khi họ chấp nhận vị trí của họ trong trật tự thế giới mới.

“Khi châu Âu - và ở một mức độ lớn hơn nhiều là Mỹ và Anh - nhận ra họ không thể điều hành thế giới nữa, tôi nghĩ họ sẽ gặp vấn đề về điều chỉnh. Nó giống như một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên của các giám đốc điều hành”, ông nói.

Tuy nhiên, về dài hạn, Goldin cho biết ông lạc quan rằng Mỹ sẽ tìm thấy vai trò mới của họ.

“Tôi nghĩ cuối cùng chúng ta sẽ thấy Mỹ nổi lên như một người chơi trong ‘ván cờ’ ba bên này khi họ nhận ra họ là một phần của thế giới toàn cầu, nhưng đó sẽ là một quá trình khó khăn”, ông lưu ý.

Nhã Thanh (Theo CNBC)

FILI