Dầu suy yếu trước nỗi lo về nhu cầu năng lượng

Dầu suy yếu trước nỗi lo về nhu cầu năng lượng

Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm nhẹ vào ngày thứ Ba (01/10) khi chỉ số hoạt động sản xuất tại Mỹ chạm mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ đã làm tăng lo ngại về nhu cầu năng lượng suy yếu, và kế hoạch rời khỏi OPEC của Ecuador dẫn đến dự báo rằng nước này sẽ gia tăng thêm dầu bơm vào thị trường thế giới, MarketWatch đưa tin.

Ecuador cho biết sẽ rời khỏi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vào ngày 01/01/2020 khi Chính phủ nước này tìm cách tăng doanh thu. Năm 2018, sản lượng dầu thô Ecuador ở mức 517,200 thùng/ngày, với xuất khẩu đạt 371,200 thùng/ngày, dữ liệu từ OPEC cho biết.

“Ecuador không sản xuất lượng dầu khổng lồ, nhưng họ không muốn ràng buộc với thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC”, Tariq Zahir, Thành viên quản lý tại Tyche Capital Advisors, nhận định.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11 trên sàn Nymex lùi 45 xu (tương đương 0.8%) xuống 53.62 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 08/08/2019, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 12 trên sàn Luân Đôn mất 36 xu (tương đương 0.6%) còn 58.89 USD/thùng.

Giá dầu đã suy yếu trước khi có thông báo từ Ecuador. Vào ngày thứ Ba, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) chỉ số sản xuất tại Mỹ giảm từ 49.1% xuống 47.8% trong tháng trước, đánh đấu mức thấp nhất kể từ tháng 06/2009. Đó là khi cuộc Đại suy thoái kết thúc.

Chỉ số sản xuất chắc chắn có tác động đến nhu cầu dầu thô, ông Zahir nhận định. Dữ liệu sản xuất tại Mỹ đã là tăng tâm lý né tránh rủi ro, khiến chứng khoán Mỹ, cũng như dầu, chìm trong sắc đỏ.

Giá dầu đã khởi sắc vào đầu phiên ngày thứ Ba, chủ yếu nhờ báo cáo định kỳ gần đây cho thấy sản lượng của OPEC giảm.

Cụ thể, một cuộc thăm dò định kỳ hàng tháng của Reuters cho thấy sản lượng từ các thành viên OPEC trong tháng 9 đã chạm mức thấp nhất trong 8 năm. Báo cáo chỉ ra sản lượng của OPEC ở mức 28.9 triệu thùng/ngày, giảm 750,000 thùng/ngày so với mức hồi tháng 8 và là tổng mức sản lượng hàng tháng thấp nhất kể từ năm 2011.

Reuters cũng cho biết rằng sản lượng từ thành viên ngoài OPEC là Nga giảm từ 11.29 triệu thùng/ngày trong tháng 8 xuống 11.24 triệu thùng/ngày trong tháng 9.

Trong khi đó, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu thô tại Mỹ mất 276,000 thùng/ngày còn 11.81 triệu thùng/ngày trong tháng 7.

Nhìn về phía trước, thị trường đang chờ đợi cập nhật định kỳ mới nhất về nguồn cung xăng dầu tại Mỹ từ báo cáo của Viện Xăng dầu Mỹ (API) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lần lượt công bố vào ngày thứ Ba và ngày thứ Tư (02/10).

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ  Ba, hợp đồng xăng giao tháng 11 tiến 0.5% lên 1.5737 USD/gallon. Trong khi, hợp đồng dầu sưởi giao tháng 11 hạ gần 0.1% xuống 1.8985 USD/gallon.

Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 11 rớt 2% xuống 2.283 USD/MMBtu, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 28/08/2019.

An Trần

Fili