IMF: Tăng trưởng kinh tế Campuchia cao nhất ASEAN

IMF: Tăng trưởng kinh tế Campuchia cao nhất ASEAN

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tăng trưởng kinh tế Campuchia được dự báo cao nhất trong khu vực ASEAN dù Vương quốc đang đối mặt với một số thách thức, Phnom Penh Post đưa tin.

Trong báo cáo Viễn cảnh Kinh tế Khu vực được công bố gần đây, IMF dự báo nền kinh tế Campuchia vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ tại mức 7% trong năm nay, trước khi giảm về 6.8 % vào năm tới.

Dự báo của IMF về mức tăng trưởng kinh tế của Campuchia là cao nhất so với các nước thành viên khu vực ASEAN.

Chẳng hạn, IMF dự báo kinh tế Việt Nam sẽ trưởng 6.5% trong năm nay và năm tới, giảm từ mức 7.1% năm trước.

Kinh tế Indonesia được dự báo tăng trưởng 5% trong năm nay và 5.1% vào năm tới, trong khi Thái Lan có thể đạt mức tăng trưởng lần lượt là 2.9% và 3%.

Malaysia được dự báo tăng trưởng 4.5% và 4.4% trong năm nay và năm tới. Myanmar có thể tăng trưởng 6.1% và 6.3%; Lào có thể tăng trưởng 6.4% và 6.5%, còn Philippines có thể tăng trưởng 5.7% và 6.2%.

Riêng Brunei được dự báo đạt mức tăng trưởng 1.8% trong năm nay nhưng sẽ tăng tốc lên 4.7% vào năm tới.

Đối với Singapore, đà tăng trưởng kinh tế được dự báo chậm nhất trong khu vực, có thể chỉ đạt mức 0.5% trong năm nay và 1% vào năm tới, giảm từ mức 3.1% hồi năm ngoái.

Phát biểu gần đây trên trang Phnom Penh Post, CEO Viện Nghiên cứu Kinh doanh tại Campuchia - kinh tế gia trưởng Hiroshi Suzuki cho rằng những thách thức từ bên ngoài mang lại cho Campuchia cả những thuận lợi và bất lợi.

Về mặt thuận lợi, ông Suzuki cho rằng: “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ chỉ ảnh hưởng tiêu cực giới hạn đối với nền kinh tế Campuchia. Xung đột hiện nay giúp Campuchia trở thành một ứng cử quan trọng cho nhiều công ty Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội di chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc”.

Về bất lợi, ông Suzuki cho rằng thỏa thuận “Everything But Arms” (tạm dịch: "Mọi thứ trừ vũ khí") của Liên minh châu Âu (EU) rất quan trọng đối với nền kinh tế Campuchia và nếu thỏa thuận này không còn được áp dụng thì Vương quốc sẽ phải đối mặt với nguy cơ cạnh tranh trong khu vực.

Ông Suzuki nói thêm: “Ngành dệt may tại Campuchia không thể thắng nổi cạnh tranh thương mại trong EU vì có nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh như Việt Nam và Myanmar”.

Trước những thách thức đó, Kinh tế gia cấp cao Jarkko Turunen của IMF gần đây cho rằng Chính phủ Campuchia đã có sự chủ động để giải quyết những mối nguy kinh tế và những bất ổn thông qua kế hoạch cải cách cơ cấu nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh và đa dạng hóa.

Ông Jarkko Turunen cho biết thêm một dự án của Chính phủ Campuchia đang được tiến hành để giải quyết chi tiêu cho việc tạo thêm công ăn việc làm, phát triển nguồn nhân lực và chi tiêu hạ tầng.

Theo báo cáo cập nhật Kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố gần đây, viễn cảnh kinh tế Campuchia cũng đang đối mặt với một số thách thức bên trong như tăng tín dụng cung cấp cho các lĩnh vực xây dựng và bất động sản cùng với công nợ.

Kinh tế gia Suzuki cho rằng lĩnh vực xây dựng và bất động sản đang bùng nổ chính là những động cơ thúc đẩy nền kinh tế Vương quốc. Nhưng ông Suzuki nói: “Nếu đầu tư từ Trung Quốc bị ảnh hưởng do sự suy yếu của nền kinh tế nước này thì sự bùng nổ đó có thể kết thúc và tác động của nó đến nền kinh tế Vương quốc là rất lớn”.

Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế Campuchia được dự báo đạt mức cao nhất trong khu vực ASEAN thì Vương quốc này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức cả trong lẫn ngoài nước. Vì thế, Chính phủ cần có những giải pháp thiết thực để ứng phó cũng như giảm thiểu tác động của những thách thức đó, đặc biệt là ảnh hưởng của “bong bóng” bất động sản vỡ tung và việc EU gỡ bỏ thỏa thuận “Everything But Arms”.

Đỗ Thảo (Theo Phnom Penh Post)

FILI