Mỹ sợ người dân Trung Quốc tẩy chay hàng hóa trên diện rộng

Mỹ sợ người dân Trung Quốc tẩy chay hàng hóa trên diện rộng

Khi một nhà sản xuất xe hơi muốn tìm một người nổi tiếng để quảng bá cho chiếc xe điện mới của họ hồi đầu năm nay, công ty tìm kiếm tài năng liền đề xuất Chris Evans – người đóng vai Captain America nổi tiếng. Ký hợp đồng với một trong những ngôi sao của bộ phim Avengers: Endgame sẽ là mảnh ghép hoàn hảo của một chiến dịch quảng bá toàn cầu, Công ty này thoáng nghĩ.

Thế nhưng, đề xuất đó bỗng bị phản đối.

“Họ nhìn vào và nói ‘chúng tôi có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc. Sẽ là quá rủi ro nếu chọn Captain America trong bối cảnh thương chiến như hiện nay’”, Michael MacRitchie, nhà sáng lập của MGI Entertainment có trụ sở ở Sydney, cho hay. Nhà sản xuất xe hơi tính tìm một người nổi tiếng của Trung Quốc, ông nói nhưng từ chối cung cấp tên công ty sản xuất xe hơi này.

Ngay cả trước khi các nhà bán lẻ Trung Quốc bỏ hàng hóa NBA khỏi kệ để đáp trả lại động thái ủng hộ công khai cho các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, cuộc chiến thương mại kéo dài đã thổi bùng chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc và tâm lý chống Mỹ - vốn được thể hiện ngày càng nhiều trong các quyết định tiếp thị và thói quen mua hàng của người tiêu dùng.

Thị phần của các công ty như Apple tại Trung Quốc suy giảm trầm trọng. Và các thương hiệu Mỹ bao gồm Coachand Calvin Klein đã vội vã đưa ra lời xin lỗi công khai sau khi một số sản phẩm của họ động chạm đến vấn đề nhạy cảm về chính trị tại Bắc Kinh.

Tinh thần yêu nước từ lâu đã được sử dụng như một chiến dịch tiếp thị trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Mỹ - nơi các công ty như Walmart, American Apparel, và New Balancesử dụng nhãn “Made in America” như là một biểu tượng cho chất lượng. Và Trung Quốc đã đóng băng các công ty tài chính và công nghệ Mỹ trong nhiều năm qua để “nuôi dưỡng” các thương hiệu Trung Quốc. Dù vậy, các thương hiệu thời trang, xe hơi, làm đẹp, thực phẩm và các thương hiệu tiêu dùng khác phần lớn đã được miễn khỏi lệnh hạn chế bán hàng ở Trung Quốc đại lục.

Mọi thứ đã thay đổi đối với người tiêu dùng như Ziyu Sun, một kỹ sư 23 tuổi ở thành phố Thanh Đảo của Trung Quốc. Ông cho biết tinh thần yêu nước là lý do chính đằng sau quyết định mua điện thoại Huawei của ông, đồng thời nói thêm ông đã đọc nhiều bài báo trực tuyến trên Taobao hoặc Weibo (khá giống với Twitter), trong đó lên tiếng ủng hộ các thương hiệu nội địa.

“Thế nhưng, chất lượng của điện thoại Huawei cũng rất tốt”, ông nói. Điều tương tự cũng diễn ra với Yongming Su, giáo viên trường trung học cơ sở ở Bắc Kinh. Ông Yongming Su chỉ đến chiếc điện thoại Vivo của ông như là ví dụ thể hiện rằng ông ủng hộ và mua thương hiệu trong nước hơn là những thương hiệu nước ngoài.

Những suy nghĩ đó có thể tạo ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp Mỹ trong năm 2020. Mỹ bán gần 120 tỷ USD hàng hóa ở Trung Quốc trong năm 2018 và nhờ đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ, sau Canada và Mexico, theo Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung.

Nhiều thương hiệu Mỹ như Nike, Apple và General Motors đã đưa ra triển vọng tăng trưởng dựa trên lời hứa thu hút khách hàng ở quốc gia đông dân nhất thế giới này. GM, nhà sản xuất xe hơi lâu đời nhất của Mỹ, bán xe hơi ở Trung Quốc còn nhiều hơn ở Mỹ.

“Tâm lý người tiêu dùng là một điều gì đó mà chúng tôi phải để mắt đến”, Chủ tịch GM ở Trung Quốc, Matt Tsien, cho hay.

Một số công ty Mỹ hiện lo ngại rằng việc người dân Trung Quốc ủng hộ thương hiệu quê nhà có thể chuyển thành một làn sóng tẩy chay hàng loạt hàng hóa Mỹ như những gì đã diễn ra khi Bắc Kinh cấm người tiêu dùng mua hàng hóa Hàn Quốc trong năm 2016. Kết quả là các công ty Hàn Quốc mất 15.6 tỷ USD doanh thu, tác động cực kỳ nặng nề đến các ông lớn như nhà điều hành chuỗi siêu thị Lotte Shopping và Hyundai Motor, theo Viện Nghiên cứu Hyundai.

Nhiều thương hiệu Trung Quốc, nhất là các nhà sản xuất thiết bị điện tử như Huawei Technologies và Xiaomi, hiện có thể sánh ngang với các đối thủ phương tây. Sự gia tăng về chất lượng và ngân sách quảng cáo ngày càng cao đã khiến những người mua sắm công nhận họ là những cái tên phổ biến đối với hộ gia đình. Thế nhưng, niềm tự hào dân tộc cũng đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng.

Trong năm 2019, các công ty Trung Quốc như Huawei và nhà sản xuất máy bay không người lái SZ DJI Technology đã vượt mặt các công ty Mỹ từng một thời không mơ chạm tới như Apple và Nike trong danh sách 10 thương hiệu được ưa thích nhất tại Trung Quốc, theo cuộc khảo sát 13,500 người tiêu dùng của Prophet. Những công ty Trung Quốc chiếm một nửa trong top 50 thương hiệu hàng đầu trong năm 2019, trong khi 3 năm trước, Trung Quốc chỉ có 18 cái tên trong danh sách. Đáng chú ý nhất, Alipay – dịch vụ thanh toán của Alibaba Group – và Huawei chiếm 2 vị trí đầu.

Huawei hiện là công ty có doanh số bán điện thoại thông minh cao nhất ở Trung Quốc, chiếm 37% thị phần, theo công ty tư vấn IDC. Apple chiếm khoảng 7%, giảm từ mức 11% trong năm 2012 – thời điểm mà Huawie chỉ là công ty có doanh số điện thoại thông minh cao thứ 5 ở Trung Quốc.

Mặc dù các cơ quan chức trách gần đây đã cấm Kweichow Moutai – nhà sản xuất rượu – tự gọi bản thân là “thương hiệu sản xuất rượu quốc gia” của Trung Quốc, nhưng giá cổ phiếu của công ty này vẫn tăng gần gấp đôi trong 12 tháng vừa qua.

Và giá cổ phiếu của nhà sản xuất áo khoác Bosideng International Holdings của Trung Quốc tăng hơn 200% trong năm vừa qua, khi người tiêu dùng ngó lơ các mặt hàng từ Canada Goose Holdings sau vụ Canada bắt giữ Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của Huawei.

Trang web mua sắm Tmall của Alibaba chứng kiến sự nhảy vọt về doanh số bán các thương hiệu nội địa trong ngày Quốc Khánh Trung Quốc, khi tinh thần yêu nước dâng cao vào ngày kỷ niệm 70 năm thành lập nước. Trang web Tmall cho biết 8 trong 10 thương hiệu làm đẹp có doanh thu cao nhất đến từ Trung Quốc và một trò chơi có tên Homeland Dream– do Tencent phát triển – bỗng vọt lên đứng đầu danh sách được tải nhiều nhất.

Vương Đông (Theo Bloomberg)

FiLi