Chỉ 37% người Anh sẵn sàng trả nợ thay cho bạn đời

Chỉ 37% người Anh sẵn sàng trả nợ thay cho bạn đời

Theo khảo sát, gần 2 trên 3 người Anh trưởng thành sẽ không lập tức giúp đỡ chồng hoặc vợ trả nợ.

Theo cuộc khảo sát do công ty chuyên cung cấp dịch vụ quản lý tài sản Fidelity International thực hiện, chỉ có 37% người Anh trưởng thành cho biết sẽ ngay lập tức ra tay giúp đỡ chồng/vợ thoát khỏi nợ nần.

Thậm chí, con số này còn giảm đi nếu như việc lâm nợ cứ xảy ra liên tục. Chỉ có 21% phụ nữ và 16% nam giới cho biết sẽ giúp bạn đời thoát khỏi nợ nần nhưng chỉ một lần. Đa số người được hỏi cho biết lý do lâm vào nợ nần sẽ ảnh hưởng đến quyết định có trả nợ giúp hay không. Có 38% phụ nữ muốn biết lý do bạn đời lâm vào nợ nần trước khi ra tay giúp đỡ. Tỷ lệ này ở nam giới là 30%.

Khi được hỏi, một tỷ lệ gần như như nhau ở nam giới (86%) và phụ nữ (85%) nói rằng họ muốn biết về khoản nợ của bạn đời để có thể cùng nhau giải quyết vấn đề.

Theo nghiên cứu của The Money Charity, người Anh có khoản nợ cá nhân trung bình 31.284 bảng (40.297 USD). Trong đó, 1.373 bảng là nợ thẻ tín dụng.

Nợ nần có thể là vấn đề khó trong mối quan hệ vợ chồng và cần giải quyết sớm. Ảnh minh hoạ: Pixabay

Maike Currie, Giám đốc Fidelity International, cho biết nợ nần có thể là vấn đề khó khăn cho bất kỳ mối quan hệ nào. Khi ấy, giao tiếp lại chính là chìa khóa. Việc giải quyết các vấn đề sớm có thể ngăn chúng trở thành 'vấn đề không vượt qua được'.

Theo chuyên gia, nên bắt đầu bằng cách phân biệt các loại nợ khác nhau. Ưu tiên thanh toán khoản nợ cấp bách trước, chẳng hạn như nợ thẻ tín dụng. Sau đây là 3 lưu ý cụ thể.

Thảo luận về tiền bạc giữa hai vợ chồng

Currie khuyến khích các cặp đôi nên có cuộc thảo luận trung thực về nợ nần, đảm bảo không giữ lại bất kỳ bí mật hay mối bận tâm tài chính nào. Cô cho rằng, mặc dù có thể cảm thấy chán nản khi cởi mở về tài chính, thói quen thảo luận về tiền bạc giữa hai vợ chồng sẽ hữu ích khi gặp khó khăn.

Ngoài ra, các cặp vợ chồng nên tránh quy trách nhiệm cho nhau. Thay vào đó, nên cùng tìm ra các giải pháp vì điều này sẽ giúp kiểm soát tiền bạc nhiều hơn.

Kiểm tra tình hình tài chính của nhau

Nên có ý thức về tình hình tài chính lẫn nhau. Ví dụ, hiểu rõ ai trong cặp vợ chồng có thể là người chi tiêu nhiều, ai là người thích tiết kiệm.

"Hãy ghi nhớ, mọi người đều có quan niệm về tiền bạc khác nhau và bạn có thể học hỏi lẫn nhau rất nhiều khi thảo luận về quản lý tiền bạc," cô nói điều quan trọng là hiểu được suy nghĩ của nhau khi thảo luận các mục tiêu tài chính ngắn hạn lẫn dài hạn.

Lập quỹ chung khẩn cấp

"Chỉ vì bạn tự thoát khỏi rắc rối một lần, không có nghĩa là bạn không nên cẩn thận trong tương lai," Currie nói và giải thích thêm về tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho chi phí bất ngờ trong cuộc sống.

Tạo một quỹ khẩn cấp, cùng với ngân sách cho hàng tháng hoặc hàng năm sắp tới có thể hữu ích nếu như các hóa đơn lại bắt đầu tăng lên. Tương tự, xây dựng một quỹ dự trữ sẽ có thể ngăn việc vay mượn không cần thiết trong tương lai.

Theo khảo sát 13.000 người Anh của Cơ quan quản lý tài chính (FCA) Anh, 32% người Anh trưởng thành có khoản tiết kiệm ít hơn 2.000 bảng. Chỉ 13% có khoản tiết kiệm từ 50.000 bảng hoặc nhiều hơn.

Phiên An

Vnexpress