Doanh nghiệp dầu khí lại gặp khó trong quý 3

Doanh nghiệp dầu khí lại gặp khó trong quý 3

Những tưởng kết quả quý 3/2019 của nhóm doanh nghiệp (DN) dầu khí sẽ khả quan tiếp sau các dấu hiệu hồi phục ở quý 2. Tuy nhiên, không ít cổ đông đã phải nhận gáo nước lạnh khi tình hình doanh thu sụt giảm, biên lãi gộp thu hẹp đang diễn ra trên diện rộng.

Theo thống kê Vietstock, trong quý 3/2019, 19 doanh nghiệp ngành dầu khí (chưa kể BSR và OIL) trên sàn tạo ra hơn 83,452 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 4,116 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng gần 5% và giảm gần 9% so cùng kỳ.

Trong đó, có 8 đơn vị ghi nhận sụt giảm lợi nhuận trong quý 3/2019 so cùng kỳ, 5 DN ghi nhận tăng trưởng, 2 doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi, 4 doanh nghiệp thua lỗ.

Kết quả kinh doanh của các DN dầu khí trong quý 3/2019
Đvt: Tỷ đồng

Kết quả kinh doanh sụt giảm trên diện rộng

Đứng đầu trong nhóm doanh nghiệp giảm lãi chính là Dầu khí Thái Dương (HOSE: TDG) với lãi ròng vỏn vẹn 98 triệu đồng, giảm 92% dù doanh thu tăng trưởng trên 200%, đạt 334 tỷ đồng.

Nhiều ông lớn trong ngành cũng có chung cảnh ngộ như trên. Doanh thu quý 3/2019 của Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HOSE: PVD) đạt hơn 1,069 tỷ đồng, giảm 20% so cùng kỳ. Lý giải về việc doanh thu đi xuống so với cùng kỳ, phía PVD cho biết trong quý 3/2018, Công ty có doanh thu từ giàn thuê Hakuryu 5 cho Premier Oil, tuy nhiên cùng kỳ năm nay vẫn chưa ghi nhận phát sinh.

Thứ hai, hiệu suất sử dụng giàn Jackup giảm nhẹ so cùng kỳ (91% so với 94%) do có thời gian di chuyển giàn khoan PV Drilling II và VI từ Việt Nam sang Malaysia và ngược lại. Mặt khác, PVD cho biết giàn khoan Landrig 11 không hoạt động trong quý 3/2019; doanh thu hoạt động kỹ thuật, cung ứng khác cũng đi xuống.

Cộng với khác biệt trong ghi nhận khoản chi phí quản lý doanh nghiệp, PVD chỉ lãi ròng hơn 27 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm trước.

Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) đạt doanh thu thuần quý 3/2019 hơn 4,648 tỷ đồng, tăng gần 26% so cùng kỳ. Do giá vốn và chi phí gia tăng, PVS ghi nhận lãi ròng hơn 63 tỷ đồng, sụt giảm 72% so với kết quả cùng kỳ. Đây cũng là kết quả kinh doanh một quý thấp nhất trong 12 năm của doanh nghiệp này.

Quý 3/2019, Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS) - ông lớn đầu ngành ghi nhận lãi ròng gần 2,884 tỷ đồng, giảm gần 10% so cùng kỳ.

Tuy doanh thu thuần tăng trưởng hơn 3%, song giá vốn ghi nhận tăng gần 8% so cùng kỳ. Điều này khiến lợi nhuận gộp của GAS sụt giảm gần 10%. Thêm vào đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp thể hiện 1,044 tỷ đồng, tăng gần 10%.

Thua lỗ kéo dài

Thê thảm nhất không ai khác ngoài Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX). Doanh thu quý 3/2019 của PVX sụt giảm 18%, lợi nhuận gộp thu về chưa tới 540 triệu đồng. Công ty lỗ ròng hơn 59 tỷ đồng và lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 2019 tới hơn 117 tỷ đồng.

Điều này cũng đặt ra nghi ngại về khả năng hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu PVX khi Công ty này đã thua lỗ từ năm 2018 đến nay. Đến cuối tháng 9, PVX vẫn đang ôm khoản nợ phải trả ngắn hạn gần 7,997 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải trả người bán ngắn hạn chiếm 3,395 tỷ đồng, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm gần 1,526 tỷ đồng.

Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (HOSE: PXS) cho biết tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, phần lớn các dự án đang thực hiện là chuyển tiếp từ năm trước với giá trị không lớn. Những dự án lớn như hóa dầu Long Sơn còn triển khai chậm nên doanh thu không đủ bù đắp các khoản chi phí.

Giá vốn trong quý 3/2019 của PXS ghi nhận hơn 70 tỷ đồng trong khi đó, doanh thu thuần mang về chưa tới 58 tỷ đồng, giảm gần 19% so cùng kỳ. Công ty lỗ ròng gần 21 tỷ đồng trong quý. Đây là quý lỗ thứ 8 liên tiếp của đơn vị này kể từ quý 4/2017.

Kết quả kinh doanh của PXS từ quý 4/2017 đến nay
Đvt: Tỷ đồng

Tình trạng kinh doanh dưới giá vốn cũng hiện diện ở Bọc ống Dầu khí Việt Nam (HNX: PVB), Công ty đành chấp nhận thua lỗ gần 7 tỷ đồng trong quý 3/2019. Sau 9 tháng hoạt động, PVB chỉ có doanh thu gần 31 tỷ đồng; giảm gần 84% so cùng kỳ. Lỗ ròng lũy kế ghi nhận hơn 39 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của PVB từ quý 4/2018 đến nay
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Còn Kinh doanh Khí Miền Bắc (HNX: PVG) cũng không khá hơn là bao khi lỗ quý thứ 2 liên tiếp. Với doanh thu sụt giảm hơn 22%, Công ty này tiếp tục báo lỗ hơn 11 tỷ đồng.

Điều đáng ngạc nhiên là giá cổ phiếu PVG đi ngược với PVX, PSX và PVB khi đến nay bất ngờ tăng 13% từ vùng đáy 5,300 đồng/cp lập vào cuối tháng 9.

Diễn biến giá cổ phiếu PVG qua 3 tháng
Đvt: Đồng
Nguồn: VietstockFinance

Số ít doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận

Số doanh nghiệp dầu khí tăng trưởng lợi nhuận quý 3/2019 so cùng kỳ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bao gồm PLX, PVT, PGD, POS và PSC.

Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (HOSE: PLX) báo lãi ròng quý 3/2019 tăng 19% so cùng kỳ. Kết quả tăng trưởng này chủ yếu đến từ khác biệt khoản lợi nhuận tài chính.

Cụ thể, quý 3/2018, tỷ giá bình quân USD/VND tăng 1.8% so với quý trước liền kề; trong khi quý 3 năm nay, tỷ giá USDD/VND giảm nhẹ 0.3%. Do vậy, PLX có lãi chênh lệch tỷ giá. Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng dòng tiền cũng ghi nhận gia tăng sau khi Công ty này tiếp tục thực hiện bán cổ phiếu quỹ.

Ngược với tình hình chung, kết quả kinh doanh của Dịch vụ Lắp đặt, Vận hành và Bảo dưỡng Công trình Dầu khí Biển PTSC (UPCoM: POS) lại có sắc màu tươi sáng. Doanh thu tăng trưởng 125% so cùng kỳ giúp Công ty này lãi ròng gần 15 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần quý 3/2018.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, POS lãi ròng hơn 23 tỷ đồng, thực hiện được 208% kế hoạch năm.

Đối với Vận tải Dầu khí (HOSE: PVT), các đơn vị thành viên kinh doanh khai thác các tàu đầu tư mới ghi nhận hiệu quả cao hơn cùng kỳ. Điều này giúp Công ty lãi ròng hơn 139 tỷ đồng trong quý 3/2019, tăng 38%.

Duy Na

Fili