Giá hàng hóa trên khắp thế giới giảm vì Trung Quốc?

Giá hàng hóa trên khắp thế giới giảm vì Trung Quốc?

Các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc có nguy cơ kéo giảm giá hàng hóa trên khắp thế giới khi giá hàng hóa tại quốc gia này giảm mạnh nhất kể từ năm 2016.

Trong một thách thức mới đến khả năng thúc đẩy lạm phát của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, tăng trưởng kinh tế yếu nhất trong gần 3 thập kỷ của Trung Quốc và chi phí năng lượng rẻ hơn khiến giá hàng hóa sản xuất giảm kể từ tháng 7/2019.

Mặc dù hàng hóa rẻ hơn có thể có lợi cho người tiêu dùng nước ngoài khi mùa Giáng sinh đến gần, nhưng tác động tổng thể có thể là giá hàng hóa rơi vào vòng xoáy tụt dốc trên toàn cầu khi các công ty bị buộc phải cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc để bảo vệ lợi nhuận. Từ đó, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại thêm phần căng thẳng.

“Lạm phát ngày càng bị chi phối bởi các yếu tố toàn cầu và cụ thể hơn là làn sóng giảm giá xuất phát từ Trung Quốc”, theo Stephen Jen và Joana Freire tại Eurizon SLJ Capital. “Điều này liên quan đến việc Trung Quốc xuất khẩu lượng công suất dư thừa của họ” – một yếu tố xuất phát từ nhu cầu nội địa yếu ớt, căng thẳng thương mại với Mỹ và thiếu các gói kích thích kinh tế.

Họ kỳ vọng sự suy giảm của chỉ số giá sản xuất (PPI) sẽ tác động tiêu cực đến lạm phát ở Mỹ và châu Âu, tương tự với những gì đã diễn ra trong năm 2014-2016. Giá sản xuất tại Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã trong phạm vi âm.

Dữ liệu công bố trong ngày thứ Bảy (09/11) càng thể hiện rõ vấn đề trên, trong đó giá sản xuất tại Trung Quốc giảm tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 10/2019. Chi phí đầu vào và giá năng lượng đã giảm từ tháng 6/2019, qua đó làm giảm chi phí cho các nhà sản xuất. Tuy nhiên, việc chi phí thuyên giảm vẫn chưa thể thúc đẩy biên lợi nhuận của các công ty khi nhu cầu không hề mạnh và công suất dư thừa quá nhiều, vì vậy các nhà sản xuất cũng giảm giá chào bán.

Một vấn đề quan trọng là mặc dù giá hàng hóa thuyên giảm, nhưng các khoản cho vay thì lại không. Điều này làm cho lĩnh vực công nghiệp vốn đang chìm ngập trong nợ nần của Trung Quốc khó mà trả nợ. Các công ty tư nhân của Trung Quốc cũng đang vỡ nợ đối với trái phiếu ở tốc độ gấp hai lần năm 2018 và Chính phủ Trung Quốc đang lo ngại về tình hình của ngành ngân hàng.

“Cuộc thương chiến Mỹ-Trung đang làm tê liệt chi tiêu vốn trên toàn cầu và mang lại cú sốc giảm phát lớn”, theo Chua Hak Bin tại Maybank Kim Eng Research Pte. ở Singapore.

Hàng rào thuế quan của Mỹ đang làm chuyển hướng công suất dư thừa và nguồn cung của Trung Quốc sang quốc gia thứ ba và ngày càng nhiều công ty và quốc gia có thể cảm thấy áp lực giảm phát, theo Chua.

Rủi ro giảm phát thể hiện vai trò lớn hơn của Trung Quốc đến nền kinh tế thế giới. Trung Quốc chiếm 12% tổng giao dịch thương mại trên toàn cầu trong năm 2018, tỷ lệ cao nhất. Cú sốc giá của Trung Quốc chiếm 6% lạm phát trung bình toàn cầu, theo bài phân tích của các chuyên gia kinh tế Bundesbank trong năm 2016.

Tương tự với những gì đã diễn ra trong năm 2014-2016, dòng chảy hàng hóa giá rẻ hơn từ Trung Quốc sẽ khiến các ngân hàng trung ương khác khó lòng tạo lạm phát bền vững. Giá tiêu dùng tại Nhật Bản, Đức và Mỹ đang thấp hơn mục tiêu 2% và đà giảm của giá hàng nhập khẩu và giá sản xuất sẽ chỉ làm cho mọi thứ thêm phần khó khăn.

Trung Quốc đang là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Mỹ, Nhật Bản và là nhà nhập khẩu lớn thứ hai của Đức, chỉ sau Hà Lan.

Tác động của sự suy giảm giá tại Trung Quốc đang thể hiện rõ ràng trong dữ liệu của một số đối tác thương mại của Trung Quốc, trong đó giá máy móc, kim loại, quần áo và hóa chất mà Nhật Bản nhập từ Trung Quốc đều giảm và giá hàng nhập khẩu từ Mỹ cũng giảm.

Bên cạnh sự suy giảm của chỉ số PPI, việc các công ty Trung Quốc giảm giá hàng hóa để bù đắp cho tác động của hàng rào thuế quan cũng sẽ có tác dognodj đến giá hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ và một phần sự suy giảm của giá hàng hóa xuất khẩu có thể xuất phát từ đà suy yếu của đồng Nhân dân tệ so với USD – khiến hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ hơn ở nhiều quốc gia.

Vương Đông (Theo Bloomberg)

FiLi