Nhà quản lý quỹ 100 tỷ đô phản bác lý thuyết bong bóng chứng khoán

Nhà quản lý quỹ 100 tỷ đô phản bác lý thuyết bong bóng chứng khoán

Lãi suất âm đã thúc đẩy thị trường chứng khoán trên toàn cầu và đến một lúc nào đó, toàn bộ “tòa nhà” sẽ sụp đổ. Đây là một lý thuyết được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng có khi nào lý thuyết này sai hay không?

Theo Kasper Lorenzen, Giám đốc đầu tư của quỹ hưu trí PFA ở Đan Mạch, chúng ta về cơ bản đang trải qua cú sốc cung (Supply Shock) từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ hồi thập niên 70, nhưng theo chiều hướng ngược lại.

Nhờ giá hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn và công nghệ tân tiến hơn, cú sốc nguồn cung giờ đã trở thành tích cực và nó sẽ tiếp tục định hình chính sách tiền tệ trong tương lai xa, theo lý thuyết là vậy.

“Đây là cú sốc cung tích cực (nguồn cung dư thừa, sản lượng tăng làm giả sản phẩm giảm), tương tự với cú sốc cung tiêu cực (nguồn cung giảm khiến giá tăng) mà chúng ta nhận thấy trong thập niên 70, nhưng với dấu hiệu ngược lại”, ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Trở lại thời điểm đó, “chúng ta đánh giá thấp về việc tỷ suất sinh lợi sẽ xấu đến mức nào và sẽ mất bao lâu chúng ta mới thoát khỏi cuộc khủng hoảng dầu mỏ”, ông nói. “Nhà đầu tư thực sự chẳng có lợi nhuận trong 12 năm hồi thập niên 70”.

Hiện nay, Lorenzen cho biết ông nghĩ “chúng ta thường đánh giá thấp tác động của cú sốc cung tích cực”.

“Vì vậy, kịch bản của tôi là cú sốc cung tích cực sẽ còn kéo dài”, Lorenzen cho biết.

Nếu bạn chấp nhận tiền đề đó thì giá cổ phiếu bắt đầu được định giá hợp lý hơn, ông nói. “Thẳng thắn mà nói, cổ phiếu hiện nay không rẻ, nhưng nếu bạn xem xét giá cổ phiếu và định giá cổ phiếu trong mối tương quan với lãi suất, có lẽ nó cũng không quá tệ”.

Lãi suất âm

Ngày càng nhiều chuyên gia lên tiếng phản đối lãi suất âm. Ở Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khu vực Dallas, Robert Kaplan, cho biết có gần 23% trái phiếu toàn cầu có lãi suất âm không phải là chuyện tốt lành gì.

NHTW Thụy Điển đang cố gắng tránh xa lãi suất âm, trong khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Mark Carney, cho biết lãi suất âm không nằm trong các phương án lựa chọn của họ.

Hiện nay có nhiều quốc gia đã áp dụng chính sách lãi suất âm, nhưng quốc gia “sống” với lãi suất âm lâu nhất phải kể đến Đan Mạch với 8 năm thực hiện chính sách này. Một trong những ngân hàng lớn nhất của Đan Mạch dự báo lãi suất sẽ không dương trở lại trong 8 năm nữa.

PFA – vốn có trụ sở ở Copenhagen – đã ghi nhận lãi kỷ lục trong 9 tháng đầu năm, trong đó danh mục cổ phiếu có tỷ suất sinh lợi 19%. Và mặc dù cũng chẳng biết họ có thể duy trì tỷ suất sinh lợi này được bao lâu, nhưng ông Lorenzen cho rằng chúng ta có thể đang đánh giá thấp đà của chu kỳ hiện tại.

Đặt cược vào các gói kích thích

“Theo tôi, lãi suất có thể thấp trong khoảng thời gian dài”, ông nói. Và thậm chí nếu thị trường rơi vào thị trường con gấu và nền kinh tế trở xấu, lịch sử cho thấy các ngân hàng trung ương có thể tạo ra làn sóng kích thích tiền tệ khác. “Nếu thị trường bị bán tháo mạnh, các ngân hàng trung ương sẽ làm những gì họ buộc phải làm”, Lorenzen cho biết.

Ông cũng thừa nhận rằng môi trường lãi suất hiện tại rồi cũng sẽ phải trả một cái giá nào đó. Và có lẽ, cái giá đó có thể được đo lường theo cách tương tự với lạm phát.

“Lạm phát làm xói mòn tài sản. Lãi suất âm, lãi suất thực âm cũng làm suy giảm độ giàu có theo thời gian”, Lorenzen cho biết. “Hiện tượng này cũng chẳng có gì khác biệt. Lãi ất âm hoặc lạm phát cao có tác động tương tự”.

“Bạn có thể tranh luận về lạm phát thực sự là gì”, ông nói. “Liệu nó là một thước đo truyền thống, một rổ hàng hóa hay là một thứ gì khác?”.

Tại thời điểm này, “cơ sở xác định giá tài sản là lãi suất” và “miễn là lạm phát không tăng vọt và các ngân hàng trung ương hỗ trợ thị trường chung, thì đó là điều giúp chúng tôi duy trì tỷ suất sinh lợi”, ông nói.

“Lãi suất rất thấp và chúng thấp vì một lý do”, Lorenzen cho biết. “Vì không hề có lạm phát”.

Vương Đông (Theo Bloomberg)

FiLi