PGV - Doanh nghiệp lớn trong ngành tiềm năng

PGV - Doanh nghiệp lớn trong ngành tiềm năng

Ngành điện đang trở nên ngày càng hấp dẫn khi nhu cầu của nền kinh tế tiếp tục gia tăng. Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3, UPCoM: PGV) là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành này.

Nguồn: PGV

Giá điện Việt Nam còn khá thấp

Theo thống kê của Global Petrol Prices, Việt Nam là một trong những nước có giá điện bình quân vào top thấp của thế giới. Giá điện của Việt Nam hiện tại là 0.08 USD/kWh và còn thấp hơn rất nhiều nếu so với giá điện bình quân của thế giới tức 0.14 USD/kWh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết Bộ Công Thương đã thống kê giá điện 25 nước trên thế giới năm 2018 bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển. Nếu so với các nước trong khu vực như Lào, Philippines, Indonesia, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ thì giá điện của Việt Nam năm 2018 cũng nằm ở mức thấp nhất trong số những quốc gia được thống kê.

Vì vậy, dư địa tăng trưởng của giá điện Việt Nam vẫn còn khá lớn trong thời gian tới.

Nguồn: Global Petrol Prices và EVN

Nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao

Tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa ở mức cao khiến hoạt động sản xuất điện hiện tại phải nỗ lực và liên tục phát triển để đáp ứng hoàn toàn nhu cầu cho sinh hoạt và sản xuất.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện sản xuất năm 2010 chỉ là 93.99 tỷ kWh, đến năm 2018 đạt 220.31 tỷ kWh và dự kiến năm 2019 ước đạt 242 tỷ kWh. Như vậy, Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR - Compounded Annual Growth Rate) giai đoạn 2010-2018 lên đến 11.24%.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các công ty sản xuất điện luôn được đảm bảo đầu ra gần như tuyệt đối trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

Nguồn: EVN

Kết quả kinh doanh của PGV đang tốt dần lên

Rủi ro tỷ giá luôn là vấn đề tiềm ẩn đe dọa tới lợi nhuận của các doanh nghiệp nhiệt điện, vốn là đối tượng có khoản vay ngoại tệ lớn. Kết quả kinh doanh năm 2018 của PGV cho thấy, lợi nhuận của Công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi tỷ giá. Tuy nhiên, tình hình đã được cải thiện đáng kể trong năm 2019.

Cụ thể, lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm đã vượt kế hoạch 2019. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm của PGV tăng trưởng 12.1% lên mức 32,822.1 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng điện thương phẩm tăng mạnh so với năm ngoái.

Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế 9 tháng đầu năm theo BCTC hợp nhất của doanh nghiệp đạt 665.37 tỷ đồng, tăng 108.5% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cũng vượt xa kế hoạch lợi nhuận cả năm mà ban lãnh đạo PGV đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 (tương đương mức 409 tỷ đồng).

Tỷ suất lợi nhuận gộp biên có chuyển biến tốt. Mức này hiện đã tăng trên 12% và cao hơn khá nhiều so với năm 2014. Dự kiến xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong các năm tới.

Quan sát đồ thị bên dưới, nhà đầu tư có thể dễ dàng nhận thấy lợi nhuận gộp và tỷ lệ lợi nhuận gộp của PGV tăng liên tục trong giai đoạn 2014-2019. Là nhà sản xuất điện năng hàng đầu cả nước, PGV đang đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ khi thị trường bán buôn điện cạnh tranh chính thức đi vào hoạt động trong thời gian tới.

Nguồn: VietstockFinance

Lượng tiền mặt của PGV hiện đang khá dồi dào và hệ số nợ vay DER (Debt to Equity Ratio) giảm liên tục trong suốt những năm qua. Bên cạnh đó, tỷ lệ đòn bẩy tài chính Equity Multiplier cũng điều chỉnh từ mức 7.87 lần của năm 2015 xuống còn 6.51 lần vào cuối quý 3/2019. Điều này giúp cho rủi ro của doanh nghiệp được hạn chế.

Nguồn: VietstockFinance

Các chỉ tiêu về dòng tiền cần được cải thiện trong thời gian tới. Kết thúc 9 tháng, tỷ lệ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh/doanh thu thuần đạt 2.69%. Chỉ tiêu này thấp dần kể từ 2017 đến nay. Tỷ lệ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh/vốn chủ sở hữu cũng nằm trong tình trạng tương tự như vậy.

Nguồn: VietstockFinance

Dự báo biến động tỷ giá trong thời gian tới

Như đã có đề cập ở phần trên, vấn đề tỷ giá luôn là mối lo ngại thường trực của ban lãnh đạo PGV trong những năm qua. Vậy thì tỷ giá sẽ biến động như thế nào trong thời gian tới?

Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất sẽ tác động đến các ngân hàng trung ương ở những nước khác. Trong bối cảnh nội tại kinh tế các nước còn khá u ám thì việc hạ lãi suất theo Fed để kích cầu duy trì tăng trưởng và giữ đồng tiền cạnh tranh một cách tương đối là cần thiết. Giới chuyên gia nhận định Việt Nam cũng sẽ đi theo xu hướng này nhưng không giảm lãi suất một cách bừa bãi mà có chiến lược rất bài bản và rõ ràng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn duy trì độ chênh giữa lãi suất chính sách tiền đồng và USD ổn định trong khoảng 0.5-0.7% tùy theo thanh khoản thị trường, qua đó đảm bảo cân đối cầu nội tệ và ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng. Ngoài ra, động thái này còn chứng minh rằng NHNN sẵn sàng điều chỉnh lãi suất điều hành theo Fed để duy trì ổn định nhu cầu ngoại tệ mỗi khi Fed thay đổi.

Thời điểm hiện tại, với kỳ vọng Fed giảm lãi suất, đồng USD yếu và chiến tranh thương mại cũng không còn quá căng thẳng, tâm lý trên thị trường ngoại hối đã được bình ổn khá nhiều nếu so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt khác, theo hầu hết các chuyên gia, Fed hạ lãi suất sẽ kích thích dòng vốn đổ mạnh vào các thị trường đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Tất cả các yếu tố trên cho thấy khả năng tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới là khá cao.

Sức hút từ mảng năng lượng tái tạo

Xu hướng lớn của ngành năng lượng thế giới. Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (US Energy Information Administration - EIA), kinh tế phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và dân số tăng cao dẫn đến nhu cầu năng lượng gia tăng nhanh. Trong khi đó, các nguồn năng lượng hóa thạch đang cạn dần theo thời gian. Giải pháp phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng đang được nhiều nước quan tâm thực hiện.

EIA dự báo đến năm 2040 nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 30% tổng nguồn năng lượng trên toàn thế giới và vượt mức 10 nghìn tỷ kWh. Đây là một xu hướng không thể đảo ngược của lĩnh vực năng lượng.

Nguồn: Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA)

Định hướng chiến lược từ Chính phủ Việt Nam. Nắm bắt được xu hướng chung của ngành năng lượng thế giới, Chính phủ đã có những chỉ đạo về định hướng phát triển của ngành năng lượng tái tạo Việt Nam.

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cho giai đoạn 2015-2030, xét đến 2050 được Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào tháng 9/2015 đã đưa ra các mục tiêu rất cụ thể. Theo đó, lượng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ mức 58 tỷ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh năm 2020, 186 tỷ kWh năm 2030 và 452 tỷ kWh năm 2050.

Về mặt tương đối, tỷ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ 35% năm 2015 lên mức 38% năm 2020 và 43% năm 2050.

Theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, trong khi các nguồn năng lượng truyền thống đang ngày càng cạn kiệt, việc phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Nguồn: Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam và Báo Điện tử Chính phủ

Thực tế đã có rất nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng như tư nhân đã đầu tư mạnh mẽ và đi theo hoạch định chiến lược trên. Các doanh nghiệp tiêu biểu có thể kể đến như: Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (UPCoM: PGV), CTCP Điện Gia Lai (HOSE: GEG), CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (HOSE: TV2), CTCP FECON (HOSE: FCN), CTCP Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE), CTCP Licogi 13 (HNX: LIG)…

Tính đến hết tháng 6/2019, tổng cộng đã có 89 nhà máy điện gió và điện mặt trời hòa lưới với tổng công suất đặt 5,038 MW, chiếm 9.5% tổng công suất đặt hệ thống điện quốc gia. Dự kiến, đến ngày 31/12/2019, cả nước sẽ có thêm khoảng 1,000 MW các nguồn năng lượng tái tạo đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.

PGV đón đầu xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo. Việc đẩy mạnh mảng năng lượng tái tạo cũng được coi là một trong những trọng tâm phát triển của PGV trong những năm tới. Doanh nghiệp đã đẩy mạnh các dự án đầu tư xây dựng, chú trọng phát triển đồng bộ các dạng năng lượng, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường, đồng thời củng cố và tăng cường an ninh năng lượng quốc gia như: Điện mặt trời Vĩnh Tân 2 (42.65 MW) - đã hoàn thành lắp đặt thử nghiệm và nghiệm thu, đưa vào phát điện thương mại ngày 24/6/2019; xúc tiến bổ sung quy hoạch và đầu tư xây dựng dự án Điện mặt trời Ninh Phước 7 (200 MW), Buôn Kuốp và Srêpốk (100 MW); dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn sử dụng khí LNG tại Bà Rịa-Vũng Tàu...

Dự án Điện mặt trời Vĩnh Tân 2 của PGV. Nguồn: PGV

Đặc biệt, các dự án điện mặt trời trên lòng hồ thủy điện Buôn Kuốp và Srêpốk của PGV ở tỉnh Đắk Lắk có được hai lợi ích lớn là tận dụng mặt nước, giảm tốn kém diện tích và quá trình bốc hơi làm mát tự nhiên giúp tế bào quang điện hoạt động hiệu quả hơn. Điều này sẽ góp phần làm hạ giá thành sản xuất điện mặt trời xuống mức hợp lý.

Thoái vốn tại các công ty liên kết

Việc thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được tiến hành trong những năm qua. Điều này sẽ góp phần tạo dựng môi trường lành mạnh cho thị trường điện cạnh tranh toàn bộ vận hành.

PGV là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong xu hướng này. PGV đã có lộ trình thoái vốn tại 3 công ty liên kết là CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HOSE: VSH), CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2) và CTCP Điện Việt Lào. Đây đều là những công ty hoạt động hiệu quả so với mặt bằng chung của ngành và có cơ cấu cổ đông tốt.

Việc thoái vốn tại VSH dự kiến sẽ diễn ra suôn sẻ vì hai lý do:

Thứ nhất, cổ đông lớn của VSH là CTCP Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE) vẫn đang tiếp tục chiến lược đầu tư mạnh vào mảng năng lượng. Theo thông tin công bố ngày 06/11/2019, REE đã hoàn tất giao dịch mua lại cổ phần của CTCP Thủy điện Mường Hum với tỷ lệ sở hữu tại thời điểm báo cáo là 49%. Trước đó, ngày 04/11/2019, REE cũng đã nâng tỷ lệ sở hữu tại của CTCP Phong điện Thuận Bình từ 25% lên 49.1%.

Thứ hai, VSH sẽ không phải chi 2.163 tỷ đồng bồi thường vì rơi vào "bẫy" bỏ thầu giá thấp của đối tác Trung Quốc. Doanh nghiệp vừa cho biết Tòa án Hà Nội đã hủy toàn bộ phán quyết trọng tài ngày 10/4/2019 của Hội đồng trọng tài 24/14.

Phán quyết này trước đó buộc công ty phải bồi thường hơn 2.163 tỷ đồng cho tổ hợp nhà thầu gồm Viện Thiết kế Hoa Đông thuộc Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục Đường sắt số 18. Việc thoát án bồi thường hàng nghìn tỷ đồng chắc chắn là một tin vui với các cổ đông của VSH, trong đó có PGV.

Giá cổ phiếu tích lũy khá lâu trong vùng 10,000-12,000

Giá PGV đã liên tục tích lũy trong thời gian gần đây. Vùng giá 9,000-10,500 hiện đóng vai trò như vùng hỗ trợ (support range) trung hạn.

Nếu tình trạng hiện tại vẫn kéo dài trong những tháng tới thì nhiều khả năng sẽ hình thành nên Rounding Bottom hoặc Cup & Handle. Đây đều là những dạng mẫu hình có thời gian hình thành khá dài nên dự kiến quá trình giằng co, tích lũy sẽ còn tiếp tục.

Chỉ báo MACD đã dịch chuyển đến gần ngưỡng 0 trong những tuần gần đây. Mặt khác, Price ROC cũng cho những tín hiệu tích cực. Nếu phân kỳ giá lên xuất hiện trong thời gian tới thì triển vọng tăng trưởng sẽ được nâng cao.

Khối lượng cũng có cải thiện so với những tháng trước đây. Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục thì rủi ro sẽ được hạn chế.

Việc mua vào trong vùng 9,000-10,500 được ủng hộ dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật.

Nguồn: VietstockUpdater

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

FILI