Vì sao Fiat Chrysler sáp nhập với Peugeot?

Vì sao Fiat Chrysler sáp nhập với Peugeot?

Các nhà sản xuất ô tô từng là đối thủ của nhau - PSA Group và Fiat Chrysler Automobiles - đã tiết lộ kế hoạch kết hợp nhằm tập hợp nguồn lực để đương đầu với một kỷ nguyên mới đắt đỏ do thuế quan thương mại, quy định khí thải và điện khí hóa gây nên.

Cổ đông của mỗi bên sẽ sở hữu 50% của công ty được niêm yết tại Paris, Milan và New York này. Các nhà đầu tư vào Fiat sẽ nhận được cổ tức 5.5 tỷ euro (6.1 tỷ USD) và chi nhánh Comau, trong khi PSA có kế hoạch phân phối 46% cổ phần ở nhà sản xuất phụ tùng ô tô Faurecia SE. Chi phí tiết kiệm được từ thỏa thuận này mà không phải đóng cửa nhà máy được dự kiến ​​khoảng 3.7 tỷ euro.

Cổ phiếu PSA tại Paris đã giảm 9.1%, nhiều nhất trong hơn ba năm qua, trong khi cổ phiếu của Fiat tại Milan tăng tới 10%.

Trong một tuyên bố chung vào thứ Năm vừa qua, hội đồng quản trị của Fiat Chrysler và PSA đã đồng ý hợp tác để hướng tới một thỏa thuận ràng buộc trong những tuần tới. Thương vụ này sẽ tạo ra nhà sản xuất ô tô lớn thứ tư thế giới với giá trị thị trường khoảng 50 tỷ USD.

Một sự hợp nhất giữa Fiat Chrysler và PSA, nhà sản xuất ô tô xếp thứ 2 về doanh số xe ô tô ở châu Âu, sẽ tạo ra một “ông lớn” mang tầm khu vực để thách thức Volkswagen AG. Việc hợp tác này sẽ kết hợp gia tộc tỷ phú Agnelli ở Ý và gia đình Peugeot của Pháp lại với nhau trong bối cảnh sự hợp nhất đang “càn quét” qua ngành công nghiệp đang cố gắng kiếm tiền cho sự chuyển đổi lớn.

Hội đồng quản trị gồm 11 thành viên của tập đoàn mới có trụ sở tại Hà Lan này sẽ có 6 thành viên đến từ PSA, trong đó có CEO Carlos Tavares - người vẫn sẽ giữ vị trí CEO trong 5 năm - và 5 người đến từ Fiat Chrysler. Chủ tịch của Fiat là John Elkann cũng giữ nguyên vai trò đó tại tổ chức mới. Không rõ CEO của Fiat là Mike Manley sẽ giữ vị trí gì.

Thông báo trên được đưa ra vài tháng sau khi Fiat Chrysler và PSA xem xét mối quan hệ hợp tác đầu tư để sản xuất ô tô ở châu Âu, và sau sự sụp đổ của các cuộc đàm phán giữa Fiat và đối thủ cạnh tranh đến từ Pháp là Renault SA hồi tháng 6.

Đó không phải là một đối tác tốt như Renault, nhưng bất kỳ sự hợp tác nào cũng đều tốt”, Felipe Munoz-Vieira, một nhà phân tích của Jato Dynamics tại Turin, cho biết. Fiat Chrysler “hiện không được tốt lắm, và có vẻ như họ đang trở nên tệ hơn theo thời gian”.

Cả PSA lẫn Fiat Chrysler đều tụt hậu trong việc đầu tư vào ô tô điện và không có sự hiện diện mạnh mẽ ở Trung Quốc, nhưng một sự kết hợp có thể giúp họ tăng trưởng trong thị trường xe thương mại sinh lợi ở châu Âu, Munoz nói. Fiat Chrysler, công ty vừa báo cáo thu nhập quý 3 vào thứ Năm vừa qua, đang bị thiệt hại ở châu Âu vì dòng xe Jeep cũ kỹ và thiếu xe SUV dưới thương hiệu Fiat, ông nói.

Các nhà sản xuất ô tô hiện đối mặt với áp lực kết hợp rất lớn để giúp có tiền trả cho việc phát triển, sản xuất và mua nền tảng vì phải chống chọi với các cuộc chiến thương mại, suy thoái toàn cầu và sự thay đổi đắt đỏ hướng đến ô tô điện và ô tô không người lái. Các nhà sản xuất phải đối mặt với gánh nặng khác ở châu Âu về những quy định mới về khí thải.

Trong bối cảnh đó, tốc độ của giao dịch (để hợp tác) đã tăng lên. Hồi tháng 7, Volkswagen cho biết sẽ hợp tác với Ford Motor về công nghệ ô tô điện và ô tô tự lái, trong khi Toyota Motor đang tăng cường quan hệ với các đối tác như Subaru và BYD của Trung Quốc. Còn tập đoàn Ấn Độ sở hữu thương hiệu Jaguar Land Rover cho biết sẵn sàng tìm kiếm đối tác cho nhà sản xuất ô tô Anh này chứ không có kế hoạch bán bộ phận đang gặp khó khăn.

Doanh số ô tô ảm đạm cũng góp phần vào tình hình hiện tại. Thứ Tư vừa qua, Volkswagen đã hạ triển vọng giao xe trong năm nay do sự sụt giảm nhanh hơn dự kiến ​​ở thị trường ô tô.

Pháp là một trong những cổ đông lớn nhất của PSA, và Chính phủ đã phát tín hiệu hỗ trợ cho một thỏa thuận, đồng thời cảnh báo sẽ xem xét kỹ tác động việc làm và cơ cấu quản trị của công ty mới, cũng như cam kết của nó đối với việc xây dựng một nhà sản xuất pin châu Âu.

Hoạt động này đáp ứng nhu cầu hợp nhất trong ngành công nghiệp ô tô để đối mặt với những thách thức trong tương lai”, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm.

PSA trước đó được đề xuất như một đối tác sáp nhập hợp lý với Fiat vì họ có sản phẩm bổ sung và vị trí địa lý phù hợp, và hai bên đã thảo luận về khả năng hợp tác trong năm nay. Nhưng thay vào đó, nhà sản xuất ô tô Mỹ gốc Ý đã theo đuổi một thỏa thuận với Renault.

Các cuộc đàm phán đó đã đổ vỡ hồi tháng 6 khi Elkann, người đứng đầu cổ đông lớn nhất của Fiat Chrysler - Exor NV - bỏ đi giữa sự phản đối của Chính phủ Pháp và thiếu sự hỗ trợ từ đối tác liên minh Nhật Bản của Renault là Nissan.

Tavares đã tìm cách thiết lập lại chỗ đứng của Peugeot ở Mỹ, một thị trường mà họ đã rút lui vào năm 1991. Đầu năm nay, ông lên kế hoạch quay lại, với các chuyến hàng bắt đầu từ châu Âu hoặc Trung Quốc vào năm 2026.

Fiat đã tìm cách bảo đảm tương lai với một đối tác lớn hơn suốt nhiều năm qua, kể từ khi CEO quá cố Sergio Marchionne thất bại trong việc thu hút General Motors. Sau khi bị General Motors từ chối vào năm 2015, cũng có tin đồn rằng họ đã đàm phán với những nhà sản xuất ô tô khác.

Nhã Thanh (Theo Time)

FILI