Câu chuyện đáng ngờ về ông trùm đứng sau thương vụ giải cứu Yes Bank

Câu chuyện đáng ngờ về ông trùm đứng sau thương vụ giải cứu Yes Bank

Erwin Singh Braich - một ông trùm đầy bí ẩn đứng đằng sau nỗ lực cứu vớt một ngân hàng Ấn Độ đang chìm ngập trong hàng đống rắc rối và khó khăn, cho biết ông là người đàn ông giàu nhất của Canada có câu chuyện rất tuyệt đến nỗi Netflix muốn dựng phim về nó.

Từ hàng loạt bài phỏng vấn và hồ sơ tòa án, có thể tóm gọn lại rằng: Người con trai của ông trùm ngành gỗ từng kinh qua nhiều câu chuyện không mấy vui vẻ gì, từng phá sản, kiện tụng và nhiều thương vụ kinh doanh bất thành. Ông ấy cũng không có trụ sở, không có ngân hàng nào quản lý tiền của ông và hiện đang sống trong khách sạn 3 sao ở Canada Prairies – một khu vực nằm ở phía Tây Canada.

Erwin Singh Braich

Ban giám đốc của Yes Bank sẽ quyết định trong ngày thứ Ba (10/12) rằng họ sẽ ủng hộ đề xuất nào của ông Braich tại cuộc họp sắp tới để thông qua đợt bán cổ phiếu ưu đãi trị giá 2 tỉ USD, 60% trong số này sẽ do ông Braich và đối tác của ông là SPGP Holdings nắm giữ. Bloomberg News ghi nhận trong ngày thứ Hai (09/12) rằng Yes Bank – ngân hàng tư nhân lớn thứ 4 của Ấn Độ - có thể từ chối đề xuất từ Braich và SPGP, đồng thời chọn các nhà đầu tư tổ chức, dựa trên nguồn tin thân cận.

Thứ đang nằm trong phạm vi nguy hiểm là tương lai của Yes Bank – vốn đang bấp bênh trước áp lực của các khoản nợ xấu, bao gồm một số khoản cho vay tới các tổ chức cho vay phi ngân hàng đang bị kẹt trong cuộc khủng hoảng ngân hàng ngầm tại Ấn Độ.

Yes Bank rất cần các khoản vốn để bổ sung cho vốn cổ phiếu cốt lõi – vốn đang ngấp nghé ngưỡng tối thiểu theo pháp lý là 8%. Cổ phiếu này đã rớt 69% trong năm nay, giảm vốn hóa thị trường xuống 143 tỷ Rupee (tương đương 2 tỉ USD).

Braich cho biết ông có vốn cho thương vụ đầu tư này và đã gửi tài liệu cho Giám đốc điều hành Ravneet Gill của Yes Bank về khả năng chi trả của ông. Yes Bank chưa phản hồi về thông tin này.

“Tôi đã và đang là tâm điểm chú ý”, Braich (63 tuổi) cho biết trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại trong tuần trước. “Chúng tôi có nhiều khoản nắm giữ và tài sản khác nhau mà mọi người không biết đến”. Lượng vốn này sẽ được giữ lại trước khi các cổ đông của Yes Bank họp trong tháng này để đưa ra quyết định nâng vốn, ông nói.

“Tôi không nghĩ ông Gill là kẻ ngu ngốc”, Braich nói.

Dù vậy, quá khứ của ông Braich mang lại nhiều dấu hiệu khiến nhiều chuyên gia cảm thấy nghi ngờ không thôi. Trong 2 thập kỷ qua, ông đã trải qua hàng tá vụ kiện tụng với các thành viên trong gia đình, chủ nợ, đối tác kinh doanh, theo hồ sơ tòa án tại Canada và Mỹ.

Trong một vụ án, ông quảng bá cho hai nhà đầu tư về một kế hoạch mua lại phế liệu kim loại từ Cộng hòa Dân chủ Congo, nói với họ rằng ông có công ty kinh doanh hàng hóa hàng triệu USD, theo vụ kiện ở New York trong năm 2008.

Thỏa thuận Congo

Hai nhà đầu tư được nhắc đến ở trên là Roger và Punit Menda đã kiện ông và 4 người khác vì đã lừa gạt 340,000 USD từ họ, cho rằng ông Braich đã nói dối về các hợp đồng phế liệu kim loại và không hề giàu có như ông khẳng định và cũng chẳng có tài sản cá nhân nào, theo hồ sơ kiện tụng.

Braich không trả lời khiếu nại hoặc xuất hiện tại tòa án, theo phán quyết yêu cầu trả lại tiền cộng với lãi suất trong khoảng thời gian đó.

Ông Braich gọi vụ kiện này là “quá ngu xuẩn và phù phiếm đến nỗi ông không thèm phải ra mặt bảo vệ”. Ông nói ông không thanh toán theo quyết định của tòa, nhưng có thể đề xuất trả lại tiền cho hai nhà đầu tư vì ông cảm thấy họ đã bỏ qua một cơ hội ngàn vàng.

Robin Phinney, cựu chủ tịch của công ty Karnalyte Resources ở Canada, cho biết ông đã gặp Braich vài lần trong năm 2015, khi Braich cho biết ông sẵn sàng tài trợ cho dự án cơ sở khai khoáng 2 tỷ CAD (tương đương 1.5 tỉ USD).

Chưa gì hết, ông Braich đã vội vã tung ra thông cáo báo chí cho biết tập đoàn của ông sắp chiếm quyền kiểm soát công ty Karnalyte và sẽ thực hiện “bơm vốn ngay lập tức” gần 200 triệu CAD. Sau đó, Karnalyte lập tức trả lời rằng thỏa thuận này chưa ràng buộc về mặt pháp lý và chưa được hội đồng quản trị chấp nhận.

Thỏa thuận đó chưa hề xảy ra và ông Phinney cho biết Karnalyte chưa thể xác định liệu ông Braich có số vốn mà ông ấy khẳng định hay không. “Mọi thứ trông có vẻ tuyệt vời cho edens khi bạn buộc phải xuất hiện với tấm séc”, ông nói. “Tôi vẫn không biết là ông ấy có tiền hay không”.

Những ánh mắt hoài nghi

Braich cho biết ông đã có thỏa thuận ràng buộc với Karnalyte, nhưng rồi “họ lừa tôi” và cho phép một nhà đầu tư khác từ Gujarat (Ấn Độ) tham gia vào và đẩy ông ra.

Một vài nhà phân tích đã tỏ ra hoài nghi về nhà đầu tư tiềm năng mới này trong thương vụ Yes Bank. Cổ phiếu Yes Bank rớt 18% trong tuần sau khi thông báo những cái tên sẽ tham gia vào đợt bán cổ phiếu vào ngày 29/11, bao gồm Braich, SPGP và Citax Holdings. (Braich cho biết ông không có mối quan hệ với Citax)

“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về chất lượng của hội đồng giám đốc – những người sẵn lòng xem xét cho những nhà đầu tư này trở thành cổ đông lớn của công ty”, Suresh Ganapathy, Chuyên viên phân tích tại Macquarie Capital Securities (India) Pvt., viết trong báo cáo.

Braich lớn lên trong gia đình đạo Sikh có 6 người con ở Mission (tỉnh British Columbia), cách 70 km về phía Đông Nam của Vancouver, và ông là con cả. Cha của ông, Herman, khăn gói rời Ấn Độ khi mới 14 tuổi (chỉ mang theo cái tên từ ngôi làn nhỏ, Braich) và xây dựng nên cả gia tài nhờ ngành lâm nghiệp tại British Columbia. Cha của ông đã mất trong năm 1976.

Nhận ủy thác tài sản từ cha

“Lý do mà tôi có quá nhiều vụ kiện tụng xuất phát từ việc tôi là người nhận ủy thác gia sản của cha tôi”, Braich cho biết. Ông từng trải qua vụ phá sản không tự nguyện trong năm 1999 mà ông cho là được dàn xếp bởi những đối thủ, bao gồm cả anh em của ông. Phóng viên Bloomberg đã liên lạc với Bobby Braich và ông cho biết ông đã bị anh trai ghẻ lạnh trong 20 năm qua.

Vụ phá sản vẫn chưa được xử lý với tổng số nợ phải trả hơn 13 triệu CAD, theo hồ sơ phá sản tại Canada. Braich lúc đó bị bắt giam và bị truy tố sau khi từ chối đưa ra bằng chứng về tài sản hoặc xuất hiện trước tòa, Dịch vụ Công tố Công của Canada cho biết.

Ông chưa sở hữu căn nhà nào kể từ thập niên 90, thay vào đó ông chọn sống và làm việc tại các căn phòng khách sạn trên khắp thế giới từ Ritz-Carltons, Kempinskis cho đến Travelodges, ông nói.

Tại thời điểm này, Braich đang ở khách sạn 3 sao Sandman Hotet ở Grande Prairie (Alberta). Braich cũng đi làm răng vì ông cho biết ông sắp xuất hiện trong chương trình với Stephen Colbert và Oprah Winfrey.

“Hàng loạt hãng lớn muốn tôi tham gia vào chương trình của họ”, ông Braich nói qua điện thoại.

Sau đó còn có Netflix và Amazon.com – vốn muốn làm series phim truyền hình 4 season về ông và cha của ông, Braich cho biết.

Oprah Winfrey Network cho biết chẳng nhà sản xuất nào biết đến cái tên Braich cả. CBS Entertainment không bình luận về lịch chương trình của Stephen Colbert. Netflix và Amazon chưa phản hồi thông tin trên.

Để hỗ trợ cho thương vụ Yes Bank, các khoản tín thác của ông Braich và SPGP có nhiều tài sản khác nhau, bao gồm Black Pearl Investments – một công ty Hồng Kông có vốn hóa khoảng 20 triệu USD, ông nói.

Braich cho biết lý do đầu tư vào Yes Bank khá đơn giản: “Tôi thích logo của Ngân hàng và tôi đã chỉ đạo người của tôi rà soát thông tin rất kỹ lưỡng”, ông nói. “Nếu ngân hàng đó có tên ‘No Bank’, thì tôi đã chẳng hứng thú đến vậy”.

Vương Đông (Theo Bloomberg)

FILI