Nhà đầu tư nín thở chờ đợi tuần quan trọng của thương mại toàn cầu

Nhà đầu tư nín thở chờ đợi tuần quan trọng của thương mại toàn cầu

Chỉ còn một tuần nữa, hàng rào thuế quan dự kiến đối với 156 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc của Mỹ chính thức có hiệu lực. Trong khi đó, cả hai bên vẫn đang cố gắng đàm phán để tiến tới một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 – từ đó giúp nền kinh tế toàn cầu dễ thở hơn đôi chút.

Tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ có thể chờ đến sau khi kết thúc bầu cử Tổng thống năm 2020 rồi mới tiến tới thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Tuyên bố này được đưa ra chỉ 1 tuần sau khi ông Trump nói các cuộc đàm phán thương mại đang ở giai đoạn cuối cùng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tại thời điểm này, nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước những tuyên bố từ Nhà Trắng. Tuy vậy, các quan chức từ Mỹ và Trung Quốc đều nhất trí rằng cả hai bên đang hướng tới một thỏa thuận. Bắc Kinh đưa ra một bước nhượng bộ quan trọng và có thể tạo bước đột phá trong cuộc đàm phán trong ngày thứ Sáu (06/12), cam kết giảm hàng rào thuế quan đối với nông sản và thịt heo từ Mỹ.

“Thỏa thuận đang ở gần. Có lẽ gần hơn so với thời điểm giữa tháng 11/2019”, Larry Kudlow, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng, nói với CNBC trong ngày thứ Sáu (06/12).

Nhà đầu tư nên lùi lại để cân nhắc hai điểm quan trọng sau:

Thứ nhất, vẫn còn chưa rõ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ có phạm vi ra sao và các điều khoản chi tiết cũng rất quan trọng.

Thứ hai, thậm chí nếu tiến tới thỏa thuận, hàng rào thuế quan vẫn cao hơn so với thời điểm trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra.

Theo Neil Shearing, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics, mức thuế quan trung bình mà Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng mạnh từ 3% (đầu năm 2018) lên 21%. Thậm chí nếu Mỹ rút lại toàn bộ hàng rào thuế quan đã áp lên hàng hóa Trung Quốc trong tháng 9/2019, thì mức thuế quan trung bình chỉ giảm xuống 18%.

Shearing chia sẻ: “Việc cả hai bên đã buộc phải sử dụng tới thỏa thuận giai đoạn 1 lúc đầu thể hiện sự khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề nền tảng như chính sách công nghiệp, công nghệ, sở hữu trí tuệ - những vấn đề sẽ được bàn luận trong thỏa thuận giai đoạn 2”.

“Cuộc chiến thương mại chưa có dấu hiệu chấm dứt, nó đơn thuần chỉ chuyển từ tập trung chủ yếu vào thuế quan sang các vấn đề rộng hơn xoay quanh công nghệ, đầu tư, chiến dịch công nghiệp và an ninh”.

Xuất khẩu Trung Quốc đi xuống 12 tháng liên tiếp

Cuối tuần trước, dữ liệu từ cơ quan hải quan Trung Quốc cho thấy tổng giá trị xuất khẩu tháng 11 giảm 1.1% so với cùng kỳ năm ngoái, trái ngược với dự báo tăng 0.8% từ các chuyên viên phân tích. Trong khi đó, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ giảm tới 23%.

Đây là kết quả tồi tệ nhất đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ kể từ tháng 2 và đánh dấu 12 tháng suy giảm liên tiếp.

Cuộc chiến thuế quan kéo dài 18 tháng qua đã gây hại cho cả hai nền kinh tế, khi mà doanh nghiệp Trung Quốc và nông dân Mỹ giảm tổng giá trị xuất khẩu cho nước còn lại.

Khi hai bên đồng ý đàm phán về thỏa thuận giai đoạn 1 vào tháng 10/2019, nhiều chuyên gia hy vọng thỏa thuận có thể tạo ra một giải pháp nhanh chóng để giải quyết ít nhất là một số vấn đề cơ bản. Tuy nhiên, quá trình đàm phán lại kéo dài và cho dù một số hàng rào thuế quan có được gỡ bỏ thì tình hình kinh tế của hai nước vẫn sẽ suy yếu hơn so với thời trước khi xung đột xảy ra.

"Nhu cầu hàng hóa yếu ớt trên toàn cầu, đặc biệt là từ các đối tác thương mại lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, đã kéo lùi tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc", và đà suy yếu của Nhân dân tệ còn làm giảm giá trị xuất khẩu bằng đồng USD, Wang Youxin, Chuyên gia nghiên cứu tại Viện Tài chính Quốc tế của Bank of China,cho hay.

"Nhìn về tương lai, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào tiến trình đàm phán thương mại. Nếu hai bên đạt được thỏa thuận giai đoạn một và hàng rào thuế quan được gỡ bỏ một phần, doanh nghiệp có thể trở nên tự tin hơn và xuất khẩu có thể đi lên", Wang Youxin nhận định.

Vương Đông (Theo CNN, Bloomberg)

FILI