Sẽ ra sao nếu Tổng thống Trump tái đắc cử?

Sẽ ra sao nếu Tổng thống Trump tái đắc cử?

Nhìn về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, nhiều chuyên gia trên Phố Wall đang chuẩn bị cho trường hợp Tổng thống Trump thắng cử nhiệm kỳ thứ hai và những tác động khả dĩ đến chính sách kinh tế Mỹ.

Nếu ông Trump thắng cử nhiệm kỳ thứ hai, chính quyền Mỹ sẽ nhắm tới các tổ chức thương mại đa phương trên toàn cầu, nhiều chuyên viên phân tích chính sách trên Phố Wall cho biết. Điều này sẽ cho phép ông Trump gây thêm áp lực lên Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và có thể thay thế ông ấy (nhiệm kỳ Chủ tịch Fed chấm dứt trong năm 2022) bằng một người có vẻ dễ phục tùng theo ý ông hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Chris Krueger, Chuyên viên phân tích chính sách tại Cowen, đánh giá việc Tổng thống Trump tái đắc cử có thể thúc đẩy ông theo đuổi các khoản chi tiêu lớn hơn và chỉ trích những ai mà ông tin là đang kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

“Tôi nghĩ nếu ông ấy tái đắc cử vào năm tới, chúng ta sẽ thấy ông Trump hoàn toàn được ‘cởi bỏ xiềng xích’”, ông Krueger cho biết. “Ông ấy sẽ gây áp lực lên Powell giống như những gì ông làm với Jeff Sessions”.

Dĩ nhiên, một Quốc hội chia rẽ sâu sắc giữa Hạ viện và Thượng viện có thể giữ Tổng thống Mỹ trong tầm kiềm soát. Đảng Cộng hòa có thể kỳ vọng giữ được Thượng viện và Đảng Dân chủ sẽ giữ đa số ghế tại Hạ viện, trong đó trang PredictIt cho thấy khả năng Đảng Cộng hòa giữ lại Thượng viện là 66% và khả năng Đảng Dân chủ sẽ giữ đa số ghế tại Hạ viện là 74%.

Điều này có thể giúp ngăn chặn những đề xuất chính sách quá hiếu chiến và kiểm soát ông Trump trong việc “viết lại” các thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại.

Nhắm tới WTO?

Tại chiến dịch tranh cử tháng 6/2016, ông Trump từng nói rằng nguyên nhân gây suy giảm việc làm sản xuất tại Mỹ xuất phát từ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và việc Trung Quốc bước chân vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Những ưu tiên của Tổng thống Mỹ vẫn không thay đổi quá nhiều.

Một trong những chiến thắng quan trọng về ngoại giao của chính quyền Trump đã diễn ra trong tuần trước, khi Nhà Trắng tiến tới thỏa thuận với Hạ viện để triển khai thay thế thỏa thuận NAFTA.

“Ngày thứ Sáu (13/12) có lẽ là ngày trọng đại nhất trong lịch sử thương mại từ trước đến nay. Ngày hôm đó, chúng ta nộp thỏa thuận USMCA (Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada) với sự ủng hộ của lưỡng đảng và sự hậu thuẫn từ các doanh nghiệp, người lao động”, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết trong tuần trước.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer(bên trái)

Cũng trong ngày thứ Sáu (13/12), Mỹ và Trung Quốc thông báo tiến tới thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Thỏa thuận này – mặc dù vẫn chưa được ký kết – bao gồm các điều khoản giảm bớt mức thuế mà Washington đã áp lên hàng hóa Trung Quốc để đổi lấy cam kết mua nông sản từ Bắc Kinh.

Giờ thì ông Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow sẽ có thời gian để giải quyết những quan ngại về hệ thống thương mại toàn cầu, theo Clete Willems, cựu cố vấn thương mại Nhà Trắng.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng Nhà Trắng sẽ mang cuộc chiến với các đối thủ kinh tế như Trung Quốc đến các tổ chức như WTO, ông Willems cho biết. WTO được thành lập trong năm 1995 để góp phần quản lý thương mại quốc tế.

Gây áp lực lên ông Powell

Khi Fed không thể điều chỉnh lãi suất theo ý của ông Trump, Tổng thống Mỹ thường lên tiếng chỉ trích thẳng thừng tới Chủ tịch Fed Powell.

Với việc thường xuyên chỉ trích nhà lãnh đạo của Fed, nhiều khả năng ông Trump sẽ không tái bổ nhiệm ông Powell vào ghế Chủ tịch Fed khi nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2022, theo Ed Mills, Chuyên viên phân tích chính sách tại Raymond James.

“Đối với ông Powell mà nói, nếu tái đắc cử, ông Trump khó lòng mà tái bổ nhiệm ông thêm 1 nhiệm kỳ”, ông Mills cho biết. “Và nếu một đảng viên Dân chủ đắc cử Tổng thống vào tháng 11/2020, tôi nghĩ họ cũng muốn bổ nhiệm một Chủ tịch Fed theo ý họ. Vì vậy, nhiều khả năng ông Powell sẽ rời đi sau năm 2022, cho dù kết quả bầu cử có ra sao đi chăng nữa”.

Nhiều năm qua, ông Trump muốn Fed giữ lãi suất ở mức thấp và tranh luận rằng lãi suất tương đối cao ở Mỹ phá hoại nỗ lực giảm bớt thâm hụt thương mại của ông. Quốc hội Mỹ giao nhiệm vụ điều chỉnh lãi suất cho Fed với hai mục đích toàn dụng nhân công và giữ giá cả ổn định. Trong vài năm qua, ông Powell vẫn đang làm tốt khi tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong nửa thế kỷ là 3.5%.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ vẫn thường kêu gọi Fed thúc đẩy kinh tế nhiều hơn.

“Fed nên giảm lãi suất xuống mức 0 hoặc thấp hơn và sau đó, chúng ta nên bắt đầu tái tài trợ khoản nợ”, ông Trump viết trên Twitter vào buổi sáng ngày 11/09/2019.

“Chính Jay Powell và Fed không cho phép chúng ta làm những gì mà các quốc gia khác đang làm. Chúng ta đang bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một chỉ vì những ‘kẻ đầu đất’ (ở Fed)”, ông nói thêm.

Bất mãn với Fed, Tổng thống Mỹ đã lên kế hoạch bổ nhiệm Judy Shelton vào ghế Thống đốc Fed.

Trong mùa hè năm nay, bà Shelton viết trên Wall Street Journal rằng lãi suất Mỹ nên được giảm xuống để “đảm bảo tối đa hóa khả năng tiếp cận vốn”.

Ông Powell liên tục cho rằng ông dự định phục vụ cho đến hết nhiệm kỳ 4 năm.

Khi bị Đảng viên Dân chủ Maxine Waters (Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện) chất vấn “nếu nhận được cuộc gọi từ Tổng thống Mỹ và ông ấy nói ‘tôi sa thải ông. Hãy cuốn gói rời khỏi Fed’. Vậy ông sẽ làm gì?”, ông Powell trả lời: “Dĩ nhiên tôi sẽ không làm vậy. Luật rõ ràng tôi có nhiệm kỳ 4 năm và tôi dự định phục vụ cho đến hết nhiệm kỳ”.

Đợt cắt giảm thuế 2.0?

Xét về chính sách nội địa, ông Mills cho rằng nếu ông Trump tái đắc cử, Nhà Trắng sẽ tập trung vào một vài ưu tiên có thể thu hút sự ủng hộ của Đảng viên Dân chủ tại Hạ viện. Đầu tiên có thể là vòng giảm thuế thứ hai.

Tháng trước, ông Kudlow cho biết Tổng thống Mỹ yêu cầu ông xem xét kế hoạch cắt giảm thuế, nhưng ông cảnh báo rằng “vẫn còn quá sớm” để phát triển thành một kế hoạch cụ thể. Trước đó, tờ Washington Post ghi nhận rằng các cố vấn hàng đầu của Trump, đã khám phá một đề xuất giảm thuế suất cho tầng lớp trung lưu xuống 15%.

“Chúng tôi đang trong giai đoạn rất sơ bộ tại thời điểm này”, ông Kudlow nói trong tháng 11/2019. “Kế hoạch này sẽ mất nhiều tháng để hoàn tất và nó sẽ được tung ra như là kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng trong chiến dịch tái tranh cử. Chúng tôi muốn tầng lớp trung lưu có mức thuế suất thấp nhất có thể”.

Việc ông Trump tập trung vào cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu xuất phát từ chính trị nhiều hơn. Đảng viên Dân chủ – những người có khả năng giữ quyền kiểm soát Hạ viện trong năm 2021 – khó lòng thông qua đề xuất cắt giảm thuế của Đảng Cộng hòa.

Thế nhưng, nếu Đảng Cộng hòa gây bất ngờ trong ngày bầu cử Tổng thống năm 2020 và được người dân ủng hộ mạnh mẽ, khả năng thông qua gói cắt giảm thuế không phải là không thể, ông Mills cho biết.

Vương Đông (Theo CNBC)

FILI