Các nước giữ tăng trưởng giữa đại dịch corona như thế nào?

Các nước giữ tăng trưởng giữa đại dịch corona như thế nào?

Những lo ngại về đợt bùng phát virus chết người đã vượt xa khỏi tâm chấn của nó ở Trung Quốc trong những tuần gần đây, gây ra làn sóng nỗ lực bảo vệ nền kinh tế toàn cầu khỏi sự suy giảm mạnh.

Do tính chất lan truyền nhanh chóng của virus corona, một loạt hạn chế nghiêm ngặt đối với việc đi lại và thương mại đã được ban hành khẩn cấp, không chỉ ở nền kinh tế lớn thứ hai mà trên toàn thế giới, khiến nhiều công ty phải đóng cửa và các chuỗi cung ứng lao đao.

Các nhà hoạch định chính sách hối hả trấn an các nhà đầu tư và doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng năm 2020 bị suy giảm trong bối cảnh suy thoái và căng thẳng thương mại ngày càng lớn. Về phần mình, Trung Quốc vừa cắt giảm lãi suất với các thỏa thuận mua lại đảo ngược hồi đầu tuần và bơm số tiền tương đương 173 tỷ USD vào thị trường tiền tệ.

Tuy nhiên, ngay cả các biện pháp kích thích mạnh mẽ cũng khó bù đắp tổn thất từ ​​virus corona ở Trung Quốc, nơi phần lớn hoạt động kinh tế hầu như bị đình trệ. Kết thúc phiên giao dịch thứ Hai vừa qua, chỉ số Shanghai Composite chuẩn giảm gần 8%, “thổi bay” khoảng 400 tỷ USD.

"Chúng tôi không tin rằng chỉ riêng điều này đủ đưa nền kinh tế Trung Quốc trở lại quỹ đạo của nó. Những cắt giảm (lãi suất) mới nhất sẽ không trực tiếp bù đắp cho sự trì trệ hoạt động kinh tế do phản ứng chậm trễ trước đó của chính quyền đối với dịch bệnh”, Hubert de Barochez, một nhà kinh tế tại Capital Economics, lên tiếng.

Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) gọi virus corona là "vấn đề nghiêm trọng" và cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ sự lây lan của nó. Rủi ro với nền kinh tế toàn cầu có thể lớn hơn đáng kể so với đại dịch y tế tương tự năm 2003 là SARS, vì mối quan hệ kinh doanh giữa Trung Quốc và những quốc gia khác ngày càng mật thiết hơn.

Các chuyên gia phân tích ước tính virus corona sẽ làm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm nay mất đi 0.3%, khiến tốc độ tăng trưởng hàng năm giảm xuống mức chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cách đây một thập niên. Nhiều người lưu ý với tình hình đại dịch chưa rõ sẽ kéo dài bao lâu, thiệt hại có thể lan rộng hơn so với suy nghĩ ban đầu.

"Chúng tôi tiếp tục tin rằng phản ứng của các Chính phủ trên toàn cầu đối với virus corona là rất tích cực và cuối cùng sẽ ngăn chặn hoặc hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh này. Tuy nhiên, thật khó để biết còn bao lâu nữa, trước khi số ca nhiễm mới hàng ngày bắt đầu giảm”, Mark Haefele, giám đốc đầu tư của UBS Global Wealth Management, cho biết.

Kết thúc phiên giao dịch hôm thứ Hai, giá dầu thô rơi xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua do lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc, vốn là nước nhập khẩu dầu lớn nhất. Ả-rập Xê-út, quốc gia được xem là “anh cả” của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), có thể kêu gọi các thành viên cắt giảm mạnh sản lượng dầu tại các cuộc họp của họ trong tuần này.

Michael Tran, một nhà phân tích tại RBC, cho rằng: "Virus corona đã làm chao đảo thị trường dầu mỏ cùng nhiều loại tài sản khác, dịch bệnh này là một câu chuyện toàn cầu".

Nhã Thanh (Theo Business Insider)

FILI