Khẳng định chất lượng giống “made in Việt Nam”

Khẳng định chất lượng giống “made in Việt Nam”

Trước thông tin việc quản lý chất lượng giống thủy sản còn nhiều bất cập với khả năng cung ứng giống sạch bệnh cho người nuôi ở nước ta còn chưa cao, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn khẳng định: Trong thời gian tới sẽ kiểm soát chặt nguồn cung, đồng thời nhanh chóng thẩm định đánh giá kết quả bước đầu của giống “made in Việt Nam”, tiến tới chủ động nguồn cung giống trong năm 2016.

Sẽ kiểm soát chặt nguồn tôm giống bố mẹ nhập khẩu.

Mới đáp ứng được từ 40 - 60% giống

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) xác định đối tượng chủ lực trong ngành thủy sản gồm: Tôm, cá da trơn, ngao, cá rô phi. Tuy nhiên, tỉ lệ nhập khẩu (NK) giống thủy sản vẫn còn ở mức cao. Riêng đối với tôm, mỗi năm cần 130 tỉ con tôm giống, trong đó có 100 tỉ con tôm chân trắng và 30 tỉ con tôm sú giống. Để đáp ứng được nhu cầu này, thị trường cần 210.000 con tôm giống bố-mẹ.

Hiện nay, có các nguồn tôm cung ứng cho thị trường là NK từ: Mỹ, Thái Lan, Singapore, Indonesia… và khai thác từ nguồn tự nhiên và sản xuất trong nước. Tuy nhiên, NK và khai thác từ nguồn tự nhiên cũng có nhiều khó khăn do không chủ động được nguồn cung, giá thành NK tương đối cao đối với giống tôm bố-mẹ trung bình 50USD/con, khả năng sạch bệnh rất ít. Hiện nay, chúng ta phải NK tôm giống bố-mẹ chân trắng 100%, tôm sú giống bố-mẹ mới sản xuất cung ứng khoảng hơn 10% nhu cầu của tôm giống bố-mẹ mà thị trường cần.

Đối với ngao, nguồn cung giống ngoài dựa vào tự nhiên, một lượng giống được phát triển sản xuất nhân tạo. Việt Nam đã thương mại hóa thành công giống ngao, nhưng phải ổn định quy trình. Bộ NNPTNT đã yêu cầu phải rà soát, nghiên cứu để làm giống ngao. 

Cá da trơn về cơ bản đã cung ứng được cho thị trường 100.000 con cá bố-mẹ trong năm 2013. Mặt hàng cá rô phi đang có nhu cầu rất lớn với khả năng cung ứng giống cá rô phi được 80%, số lượng NK ước tính khoảng gần 20% để phục vụ cho các tỉnh phía bắc. Hiện nay, Bộ NNPTNT đã đầu tư trung tâm giống rô phi tại Tam Kỳ (Quảng Nam) để hướng tới lựa chọn và lai tạo giống lâu dài.

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: “Nếu chủ động được nguồn giống bố-mẹ thì chúng ta sẽ giảm chi phí được 30%. Đồng thời nếu Việt Nam chủ động được nguồn giống có thể đảm bảo chất lượng giống thủy sản sạch bệnh là cơ sở để có thủy sản thương phẩm chất lượng cao trong thời gian tới”.

Đang hình thành giống “made in Việt Nam”

Từ năm 2013, Bộ NNPTNT đã triển khai chương trình phát triển giống tôm chân trắng bố-mẹ để chủ động nguồn cung trong nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân cũng chú ý phát triển dòng tôm giống bố-mẹ như Tập đoàn Việt - Úc. Hiện nay, kết quả đã có giống tôm bố mẹ dòng 2 (G2) đang trong quá trình đánh giá khảo nghiệm. 

Trên cơ sở đó, Tổng cục Thủy sản đã cho phép sử dụng ngay đàn G2 vào trang trại của tập đoàn, nhưng yêu cầu phải ghi rõ thông tin, đây là cách để giảm số lượng NK. Nếu thuận lợi, năm 2016, giống tôm chân trắng dòng bố-mẹ chất lượng, thương hiệu “made in Việt Nam”, sẽ được nhân rộng đưa ra thị trường.

Bên cạnh việc đẩy mạnh lai tạo tôm giống bố-mẹ, cơ quan quản lý sẽ kiểm soát chặt việc NK tôm. Nói về vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ: “Do NK tôm giống từ nhiều nguồn khác nhau nên để kiểm soát số lượng 130 tỉ con tôm mỗi năm là điều vô cùng khó khăn. 

Trong mấy tháng qua, Tổng cục Thủy sản đã kiểm tra nhà cung cấp cho thấy có nhà cung cấp nguồn giống không đảm bảo chất lượng, đồng thời loại 2 nhà cung cấp không đảm bảo. Thời gian tới, Tổng cục Thủy sản sẽ kiểm soát nguồn cung giống tôm bằng cách chuyển từ kiểm soát theo lô sang kiểm soát điều kiện sản xuất và hệ thống sản xuất. Trên cơ sở đó, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể NK giống, mà sẽ có sự sàng lọc”.

Thu Hà

lao động