Hãng bay xa xỉ nhớ khách giàu

Hãng bay xa xỉ nhớ khách giàu

Những hãng bay phụ thuộc lớn vào khách hàng thượng lưu như Emirates sẽ thiệt hại nặng khi đại dịch khiến hành khách ngại chi tiêu phóng tay.

Chỉ mới gần đây, Tarek Sultani Makhzoumi - COO hãng công nghệ y tế MAP Sciences - còn đều đặn bay từ London đến Mỹ hoặc UAE 2 lần mỗi tháng. Cũng như rất nhiều doanh nhân khác, Makhzoumi quá quen với các dịch vụ cao cấp như bữa ăn tiêu chuẩn nhà hàng, giường nằm khoang thương gia hoặc hạng nhất trên các hãng bay tập trung cho phân khúc doanh nhân.

Tuy nhiên, trong thời kỳ ngân sách các doanh nghiệp co lại và họp trực tuyến ngày càng phổ biến, những dịch vụ xa xỉ trên có thể rơi vào quên lãng. Bên cạnh đó, rất nhiều hành khách có thể vẫn còn ngại xếp hàng ở sân bay, chờ đo thân nhiệt hay ngồi cạnh người lạ hàng giờ. "Quá trình lên máy bay sẽ mất thời gian hơn", Makhzoumi nói, "Và tôi cũng sẽ phải theo dõi dòng tiền của mình sát sao hơn nữa". Ông dự định chỉ bay "khi nào thật cần thiết" và sẽ gộp nhiều cuộc họp trong một chuyến công tác nhất có thể.

Việc các giám đốc ngân hàng, chuyên viên tư vấn hay chuyên gia công nghệ thường sử dụng dịch vụ cao cấp như Makhzoumi nay lại hạn chế bay là tin xấu với các hãng hàng không. Đặc biệt là những hãng dựa nhiều vào khách hàng giàu có như Emirates.

Quầy bar trên một chiếc A380 của Emirates. Ảnh: Bloomberg

Emirates hiện sở hữu đội phi cơ bay đường dài lớn nhất thế giới. Họ có 115 chiếc Airbus A380, cung cấp các dịch vụ như buồng tắm có vòi hoa sen trong phòng riêng khoang hạng nhất, quầy bar cho khách hàng thưởng thức rượu vang cao cấp hay thực phẩm tươi. Chỉ riêng năm ngoái, hãng này đã chi 120 triệu euro (130 triệu USD) cho rượu vang.

Những dịch vụ xa xỉ này có thể sẽ rất khó bán khi các công ty mở cửa trở lại sau đại dịch. Doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhu cầu tiêu dùng giảm, hoạc thậm chí kinh tế suy thoái, tại các thị trường chủ chốt như Mỹ hay châu Âu. Họ vì thế sẽ phải chi tiêu thận trọng hơn. Bloombeg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết ngân hàng Pháp Société Générale dự kiến cắt giảm 80% hoạt động đi lại bằng máy bay. Hiệp hội Vận Tải Hàng không Quốc tế (IATA) thì ước tính các hãng bay mất 314 tỷ USD doanh thu năm nay.

Emirates đặc biệt chịu tác động do mô hình kinh doanh của họ dựa nhiều vào khách hàng thượng lưu. Việc này mang lại nhiều lợi nhuận trong thời kỳ kinh doanh bùng nổ. Dù khách hàng giàu có chỉ đóng góp 10% tổng lượng khách, họ lại mang đến 30% doanh thu cho ngành này, Brian Pearce - kinh tế trưởng tại IATA nhận xét. "Lấp đầy máy bay bằng khách hàng phổ thông sẽ bù lại được chi phí hoạt động", ông nói, "Nhưng khách hàng ở khoang hạng sang mới là chìa khóa của lợi nhuận".

Với các tuyến bay nội địa Mỹ và khu vực châu Âu, lợi nhuận mà khách hàng khoang thương gia đem lại ít nhất cũng cao hơn 30% so với khách hàng phổ thông, Henry Harteveldt - một chuyên gia hàng không tại Atmosphere Research Group cho biết. Còn trên các chuyến bay đường dài, lợi nhuận nhóm này mang lại là gấp 5.

Emirates đã rất thành công trong việc thu hút khách hàng hạng sang, nhờ các dịch vụ như đưa đón bằng xe riêng miễn phí hay có khoang hút thuốc. Nhờ đó, họ bán vé giá gấp 3-5 lần cho khoang thương gia và gấp đôi cho khoang hạng nhất. Để mất phân khúc này vào đúng thời điểm hãng vốn đã khó khăn là thách thức lớn với Emirates.

Năm ngoái, Emirates thông báo Giám đốc Tim Clark - người góp công lớn giúp hãng có được ngày hôm nay, sẽ nghỉ hưu vào tháng 6. Việc giá dầu lao dốc cũng khiến các doanh nhân ngành dầu mỏ ít đi lại hơn. Mà đây lại là mảng khách lớn của bất kỳ hãng bay Trung Đông nào.

Cũng như các hãng bay lớn khác trên thế giới chịu tác động từ đại dịch, Emirates phải cắt giảm mạnh tay số chuyến bay và cho xếp xó tới 90% đội bay, trong đó gồm toàn bộ dòng A380. Họ cũng phải giảm lương nhân viên và hoãn nhận lô A380 cuối. Tương lai đội bay của hãng này đang ngày càng bất định, khi Airbus sẽ ngừng sản xuất A380 vào năm sau và các vấn đề trong sản xuất của Boeing có thể khiến 777X chậm ra mắt.

Một chiếc A380 hai tầng của Emirates có thể lắp 14 khoang riêng, 76 giường nằm và 399 ghế thường. Còn tầng trên dành hoàn toàn cho dịch vụ xa xỉ. Hiện tại, họ có một lựa chọn là đẩy nhanh việc ra mắt khoang phổ thông cao cấp dự kiến vào cuối năm nay. Việc này đòi hỏi sắp xếp lại mọi thứ trong khoang. Nhưng trong thời gian A380 vốn đang bị xếp xó, họ có thể làm việc này khá dễ dàng.

Các hãng bay khác, như Lufthansa và Cathay Pacific Airways, cũng có khoang phổ thông cao cấp với ghế rộng hơn, nhiều tiện nghi hơn và giá vé bằng nửa khoang thương gia. Vì thế, dịch vụ cao cấp với giá thấp hơn trên Emirates có thể thu hút các doanh nghiệp nhạy cảm với chi phí. Họ có thể cân nhắc sử dụng dịch vụ này thay vì hủy bay.

"Nếu có nhân lực và không gian để thay đổi thiết kế, họ có thể tận dụng thời gian này tạo ra sản phẩm phải chăng hơn", John Strickland - cố vấn hàng không tại JLS Consulting cho biết.

Makhzoumi từng là khách hàng trung thành của Emirates. Nhưng hiện tại, ông cho biết sẽ chuyển sang dịch vụ phổ thông cao cấp của British Airways - đối thủ của Emirates - vốn trước nay có giá vé thấp hơn.

Hà Thu (theo Bloomberg)

VNEXPRESS