Kế hoạch kinh doanh 2020 của CTCK: Khối ngoại tự tin tăng trưởng

Kế hoạch kinh doanh 2020 của CTCK: Khối ngoại tự tin tăng trưởng

Năm 2020, các công ty chứng khoán vốn ngoại lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận với chỉ tiêu hai con số.

Thị trường chứng khoán năm 2020 khởi đầu với những biến động khó lường trong bối cảnh dịch virus Corona (dịch Covid-19) lan rộng và diễn biến phức tạp, đã tác động không nhỏ đến các thành viên tham gia trên thị trường chứng khoán, từ các quỹ đầu tư cho tới nhà đầu tư cá nhân. Trong đó, nhóm công ty chứng khoán (CTCK) hẳn cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Theo dõi báo cáo thường niên của một số CTCK công bố gần đây, diễn biến thị trường chứng khoán khó lường là một trong những từ khóa xuất hiện phổ biến. Bên cạnh đó, tình hình cạnh tranh mạnh gần đây cũng được nhiều công ty lưu ý khi xây dựng kế hoạch cho năm 2020.

Tuy chưa phải là toàn bộ nhưng kế hoạch của một vài CTCK phần nào cho thấy kỳ vọng của khối CTCK trong năm 2020.

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2020 của một số CTCK
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: Người viết tổng hợp.

Trong số các công ty đã hé lộ kế hoạch kinh doanh 2020, các công ty có sự hậu thuẫn từ dòng vốn nước ngoài đều đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng mạnh so với năm trước.

Điển hình như CTCK KB Việt Nam (KBSV) tăng mục tiêu tăng trưởng 2 chữ số đối với chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận trước, lần lượt tăng 42% và 38% lên mức 675 tỷ đồng và 200 tỷ đồng. Kế hoạch này cho thấy kỳ vọng tích cực của KBSV với kế hoạch mở rộng thị trường của Công ty tại Việt Nam. Kể từ khi đón nhận nguồn vốn từ Tập đoàn KB (Hàn Quốc), Công ty liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực.

Tương tự, một số CTCK ngoại khác cũng đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh. CTCK KIS Việt Nam lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 51% trong năm 2020, lên mức gần 242 tỷ đồng.

Trong khi đó, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 27% lên mức gần 109 tỷ đồng và 3.5 tỷ đồng. Mặc dù quy mô lợi nhuận còn nhỏ, CTCK Funan cũng khá lạc quan với kế hoạch tăng trưởng 36% kế hoạch lợi nhuận, đạt 3.5 tỷ đồng.

Về phần khối công ty nội, cũng có những cái tên đặt kế hoạch tăng trưởng ấn tượng. CTCK Tiên Phong (TPS) là cái tên nổi bật với kế hoạch lãi trước thuế tăng trưởng 165% trong năm 2020, lên mức 135 tỷ đồng. Công ty cũng đặt muc tiêu doanh thu tăng trưởng 153% lên mức 438 tỷ đồng.

Nhìn vào kế hoạch năm 2020, có vẻ Công ty vẫn đang đặt kỳ vọng lớn vào công cuộc tái cơ cấu sau khi báo lãi hơn 53 tỷ đồng năm 2019.

Một công ty nội khác cũng đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh là CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE). Dù đã lên chỉ tiêu lợi nhuận gấp gần 20 lần so với năm trước, đạt 15.2 tỷ đồng. Nhưng , con số lợi nhuận xấp xỉ 15 tỷ đồng đã được Công ty dùng cho kế hoạch cả năm 2018 và 2019 trước đó. Kết quả là trong hai năm qua , Công ty chỉ thực hiện được khoảng 5% kế hoạch.

Trong khi đó, một số ông lớn ở phía nội lại đặt kế hoạch khá dè chừng. CTCK Rồng Việt (VDS) đặt mục tiêu tăng trưởng lãi trước thuế tăng 6% so với năm trước, đạt 45 tỷ đồng. CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSI) thì lên kế hoạch tăng trưởng lãi sau thuế 6% lên mức 145 tỷ đồng.

Triển vọng kinh doanh của một số công ty cho thấy kém lạc quan trong năm 2020 với kế hoạch đi lùi. CTCK FPT (FTPS) lại đặt kế hoạch lãi trước thuế đi lùi tới 14% so với năm trước, về mức 220 tỷ đồng.

Chứng khoán BOS với kế hoạch lãi trước thuế giảm 12%, Chứng khoán Shinhan với kế hoạch lãi trước thuế giảm tới 50%. Chứng khoán Dầu khí (PSI) và Chứng khoán An Bình (ABBS) cũng lần lượt lên kế hoạch lãi trước thuế giảm 6% và 13%.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều CTCK chưa tiết lộ kế hoạch năm 2020, nhất là các ông lớn như CTCK SSI, CTCK Hồ Chí Minh (HSC), CTCK Bản Việt (VCSC), CTCK VNDirect (VND)… Do đó, còn phải đợi thêm mới thấy được toàn cảnh bức tranh kế hoạch của khối CTCK nội năm 2020.

Mùa báo cáo quý 1 tới đây, chắc phần nào sẽ giúp đánh giá được tình hình của nhóm công ty này trong bối cảnh thị trường biến động vừa qua và dự phóng kết quả trong các quý sắp tới khi rủi ro vẫn đang bao trùm.

Đầu mùa đã công bố báo cáo quý 1 với kết quả không mấy tươi sáng. Chứng khoán Bảo Minh (BMS) mở đầu với con số lỗ ròng tới 38 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 49 tỷ đồng), chủ yếu là do tài sản tài chính của Công ty giảm khi thị trường đi xuống.

Tiếp theo đó là kết quả lỗ của loạt CTCK như CTCK Bảo Việt (BVS), CTCK Everest (EVS), CTCK FPT (FPTS)…

Chí Kiên

FILI