Các tỷ phú tự thân chia sẻ phương pháp giúp tập trung và làm việc hiệu quả

Các tỷ phú tự thân chia sẻ phương pháp giúp tập trung và làm việc hiệu quả

Chưa bao giờ người ta dễ bị phân tâm nhiều như lúc này, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều người phải làm việc tại nhà do dịch Covid-19.

Vậy, đâu là phương pháp hiệu quả để tránh việc liên tục bị xao nhãng? Chúng tôi đã đề nghị các nhà triệu phú tự thân, lãnh đạo doanh nghiệp và nhà tư vấn của hội The Oracles - những người cực kỳ bận rộn - chia sẻ bí quyết giúp họ giữ được sự tập trung cao độ và duy trì hiệu quả công việc:

1. “Dành thời gian đi bộ và đừng mang theo các thiết bị công nghệ”

“Trước khi có sự xuất hiện của Internet và điện thoại thông minh, bạn chỉ phân tâm khi buộc phải nói chuyện với ai đó hoặc đọc một cái gì đó. Ngày nay, với sự có mặt của Internet và nhiều thiết bị công nghệ, tình trạng này đã tệ hơn gấp 100 lần.

Thông qua mỗi giai đoạn trong sự nghiệp, tôi nhận ra tất cả chúng ta đều có điểm chung là: Ưu tiên các nhiệm vụ và bám vào lịch công tác nhằm đạt kết quả công việc tốt nhất.

Điều thứ hai, hãy đơn giản hóa công cụ cũng như không gian làm việc của bạn. Chúng ta vốn dĩ đã mở quá nhiều cửa sổ (tab) trên trình duyệt web của mình rồi.

Điều cuối cùng, có lẽ là một trong những cách đơn giản nhất giúp tôi không bị phân tâm và stress, đó là vận động hoặc đi bộ (mà không mang theo các thiết bị công nghệ). Chỉ cần vận động hay thiền định có thể giúp chúng lấy lại sự tập trung và thường xuyên tìm thấy đáp án mà chúng ta tìm kiếm”.

- Tony Fadell, người sáng lập ra Nest, phát minh iPod, Chủ tịch công ty Future Shape.

2. “Tìm nơi yên tĩnh và lên danh sách”

"Mỗi khi cảm thấy bị phân tâm, tôi sẽ tìm một nơi yên tĩnh rồi viết ra mọi thứ tôi cần làm. Tôi thích cảm giác lần lượt gạch bỏ từng công việc trong danh sách đó. Nó mang lại cho bạn cảm giác thành công, và điều đó khiến bạn không cảm thấy mình đang bị quá tải”.

- Gretchen Carlson, người dẫn chương trình trước đây của “Fox and Friends”, sáng lập quỹ The Gift of Courage, được tạp chí Time bình chọn là một trong “100 người có ảnh hưởng nhất thế giới”; tác giả của tác phẩm bán chạy “Be Fierce”.

3. “Thiết lập kế hoạch và lịch trình”

"Đối với cho những ai có triệu chứng rối loạn mất tập trung, tôi phát hiện ra sự tập trung đòi hỏi lịch trình liên tục và bạn phải lên kế hoạch cho điều đó. Benjamin Franklin từng nói ‘Nếu bạn thất bại trong việc lên kế hoạch, bạn đang lên kế hoạch để thất bại’.

Tôi có các kế hoạch 30 ngày, 60 ngày, 90 ngày để giúp tôi vừa ngăn ngừa sự trì hoãn vừa có thể bám sát mục tiêu. Trước khi đi ngủ, tôi viết ra các mục tiêu cho ngày tiếp theo. Sáng sớm hôm sau, tôi tập thể dục và thiền định. Khi bắt đầu một ngày mới mà tôi biết mình cần phải làm gì thì thân thể và tâm trí tôi kết nối lại với nhau”.

- Holly Parker, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành (CEO) The Holly Parker Team của công ty Douglas Elliman, nhà môi giới từng đạt thành tích doanh số hơn 8 tỷ USD.

4. “Lên quy trình rõ ràng cho mỗi nhiệm vụ”

“Tại công ty chúng tôi, quản lý tác vụ là điều thiết yếu. Chúng tôi không để thông tin trong các hộp thư. Thay vào đó, chúng tôi chia nhỏ mỗi khách hàng, dự án và hoạt động thành các tác vụ và ấn định thời gian trên lịch trình công tác.

Có các quy trình sẽ giúp chúng tôi hình dung chính xác khi nào và làm thế nào để hoàn thành mỗi mục tiêu. Điều này đảm bảo không có gì bị bỏ sót và chúng tôi không mất đi sự tập trung”.

- Bill Gerber, nhà đồng sáng lập AccountingDepartment.com, công ty cung ứng dịch vụ kế toán cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ.

5. “Chỉ lên thời gian từ 2-30 phút cho mỗi công việc”

“Khi mọi người đang cách ly ở nhà trong mùa dịch, thiết kế một ngày làm việc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tôi chia nhỏ thời gian biểu thành từng cụm 30 phút để thực hiện những việc cần làm (như thiền, gọi điện, tập thể dục).

Đối với việc gọi điện, tôi đảm bảo chúng chỉ kéo dài từ 2-25 phút. Điều này giúp tôi tập trung vào lịch trình làm việc mà không bị xao nhãng”.

- Akemi Sue Fisher, người trở thành triệu phú nhờ kinh doanh trên Amazon và là chiến lược gia doanh nghiệp, CEO và người sáng lập công ty Love and Launch.

6. “Viết ra giấy những suy nghĩ của bạn”

“Khi bộ não của bạn chứa quá nhiều suy nghĩ, các nhiệm vụ phải hoàn thành và vô số điều lặt vặt khác, giống bạn đang sử dụng nhiều trình duyệt, cửa sổ tab và ứng dụng cùng lúc vậy.

Do vậy, vào mỗi buổi sáng, tôi viết ra 3 mục tiêu ưu tiên hàng đầu và lên kế hoạch thực hiện chúng. Nếu trong ngày xuất hiện thêm ý tưởng hay công việc, tôi cũng viết chúng ra theo thứ tự ưu tiên.

Phương pháp brain dump này giảm thiểu và bảo tồn năng lượng tinh thần cho những điều thực sự quan trọng trong thời khắc hiện tại”.

- Tom Shieh, CEO công ty Crimcheck; thành viên hội đồng tư vấn của Defy Ventures; tư vấn của công ty Tiny Devotions.

7. “Tôi không bao giờ làm nhiều việc cùng lúc”

“Có thể làm nhiều việc cùng lúc là chuyện hoang đường. Khi bạn cố gắng làm 2 hay nhiều việc cùng lúc, bạn phải loay hoay, do đó chất lượng công việc sẽ thấp.

Công nghệ hiện tại thường được thiết kế để khuyến khích chúng ta làm nhiều việc cùng lúc, đó là lý do tại sao bạn cần xây dựng tác phong làm việc hiệu quả để không rơi vào tình trạng đó. Phương pháp của tôi bao gồm lên danh sách những việc cần làm và phản hồi tin nhắn theo đợt”.

- Judd Rosenblatt, nhà sáng lập và CEO của AE Studio, công ty tư vấn dữ liệu khoa học và phát triển web.

8. “Bắt đầu bằng việc thuê một huấn luyện viên giỏi”

“Tính trách nhiệm là mấu chốt của sự tập trung và tôi đã tìm ra cách tốt nhất để đạt được điều đó: Thuê huấn luyện viên. Nếu bạn thích, tin tưởng và tôn trọng người huấn luyện viên, bạn sẽ làm những gì bạn đã nói, thay vì viện lý do bạn không làm.

Một huấn luyện viên giỏi sẽ không phán xét bạn. Thay vào đó, họ khiến bạn cảm thấy thoải mái để bạn có thể thành thật chia sẻ. Như một GPS, họ nhắc nhở bạn hướng về mục tiêu nếu bạn đi chệch hướng và giúp bạn tìm ra lộ trình tốt nhất”.

- Shaun Rawls, nhà sáng lập và CEO của Rawls Counsulting, tác giả cuốn sách sắp xuất bản “F’-It-Less”.

Tuệ Nhiên (Theo CNBC)

FILI