Dầu tiếp tục suy giảm khi nỗi lo về nhu cầu trở lại

Dầu tiếp tục suy giảm khi nỗi lo về nhu cầu trở lại

Các hợp đồng dầu thô tương lai đã xóa sạch đà tăng đầu phiên vào ngày thứ Năm (07/05), khi những nhận định tiêu cực từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về hoạt động kinh tế và một số nghi ngờ về mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất OPEC+ đã khiến giá dầu suy yếu, MarketWatch đưa tin.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex lùi 44 xu (tương đương 1.8%) xuống 23.55 USD/thùng, sau khi dao động ở mức cao 26.74 USD/thùng.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 7 trên sàn Luân Đôn mất 26 xu (tương đương 0.9%) còn 29.46 USD/thùng.

Tuy nhiên, giá dầu đã khởi sắc phần lớn thời gian trong phiên, trước khi xóa sạch đà tăng này ngay trước khi các hợp đồng dầu WTI và dầu Brent chốt phiên.

Giá dầu đã dành phần lớn thời gian trong phiên dao động trong sắc xanh, chủ yếu nhờ quyết định nâng giá dầu của Ả-rập Xê-út đã giúp ổn định giá trị, trong khi dữ liệu cho thấy nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa đã khởi sắc trong tháng 4 so với các tháng trước.

Ba Chủ tịch Fed khu vực cho biết trong ngày thứ Năm rằng họ dự báo hoạt động kinh tế sẽ không phục hồi nhanh chóng ngay cả khi các bang đang nới lỏng các biện pháp phong tỏa vì dịch Covid-19. “Tôi nghĩ… triển vọng trong ngắn hạn của đất nước là thật sự ảm đạm”, Chủ tịch Fed thành phố Minneapolis –  Neel Kashkari – nhận định.

Dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ vào ngày thứ Năm cho thấy có hơn 3 triệu người Mỹ bị mất việc làm.

Ngoài ra, “một số báo cáo đưa tin các nước OPEC nhỏ hơn, như Kazakhstan, có thể gặp khó khăn để cắt giảm sản lượng đã làm tăng lo ngại về mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+”, Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, chia sẻ.

Ả-rập Xê-út, thành viên có ảnh hưởng nhất của OPEC, đang nâng giá dầu thô cho khách hàng trên toàn thế giới, Bloomberg TV đưa tin.

Trong các tin tức liên quan đến thị trường dầu trong ngày thứ Năm, Mỹ đã tìm cách giảm bớt sự hiện diện quân sự của mình ở Ả-rập Xê-út, trong đó Wall Street Journal đưa tin rằng Mỹ đang loại bỏ hệ thống phòng không Patriot khỏi Ả-rập Xê-út và đang xem xét cắt giảm các khả năng quân sự khác.

Nguồn tin còn cho biết Mỹ cũng lên kế hoạch loại bỏ hàng chục lực lượng quân sự được gửi đến Ả-rập Xê-út sau một loạt các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Ả-rập Xê-út hồi năm ngoái, mà Mỹ cho là Iran phải chịu trách nhiệm.

“Đó có thể là một thông điệp cho Ả-rập Xê-út rằng ‘cuộc chiến giá dầu với Nga’ không được các nhà lập pháp và lãnh đạo Mỹ đánh giá cao”, ông Flynn nhận định.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu dầu của Trung Quốc đã tăng từ 9.68 triệu thùng/ngày trong tháng 3 lên 10.42 triệu thùng/ngày trong tháng 4, dữ liệu từ Reuters cho thấy. Tổng kim ngạch nhập khẩu cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới đã sụt 14.2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu từ nước này bất ngờ tăng 3.5% so với năm trước.

Nhà đầu tư cũng tiếp tục chú ý đến mức nguồn cung dầu thô. Vào ngày thứ Tư (06/05), Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng 4.6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 01/05/2020. Dữ liệu này, bao gồm cả những thay đổi trong kho Dự trữ Dầu khí Chiến lược (SPR), đánh dấu 15 tuần tăng liên tiếp, nhưng thấp hơn so với dự báo vọt 7.1 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 6 vọt 6.2% lên 93.14 xu/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 6 tiến 1.6% lên 83.71 xu/gallon.

Các hợp đồng khí thiên nhiên suy yếu trong ngày thứ Năm khi EIA ghi nhận rằng nguồn cung khí thiên nhiên vọt 109 tỷ feet khối trong tuần kết thúc ngày 01/05/2020, cao hơn một chút so với dự báo tăng 105 tỷ feet khối từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.

Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 6 mất 2.6% còn 1.894 USD/MMBtu.

An Trần

FILI