Các quỹ mở cổ phiếu đang ở đâu sau 5 tháng 2020?

Các quỹ mở cổ phiếu đang ở đâu sau 5 tháng 2020?

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chứng kiến một đợt giảm sâu lịch sử trong quý 1/2020 (chủ yếu trong tháng 3) do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các chỉ số chính của thị trường là VN-Index, VN30-Index đều sụt giảm trên 30%.

Tuy nhiên, TTCK đã phục hồi mạnh mẽ kể từ đầu tháng 4, chủ yếu là nhờ dòng tiền bắt đáy mạnh từ các nhà đầu tư cá nhân khi niềm tin vào khả năng kiểm soát dịch bệnh ngày một tăng. Các chỉ số thị trường đều có mức hồi phục ấn tượng: Từ điểm sụt giảm trên 30% vào cuối tháng 3, các chỉ số đã hồi phục và chỉ còn sụt giảm -10% (VN-Index) và -8.3% (VN30-Index) vào cuối tháng 5/2020.

Trước biến động lớn của thị trường, các quỹ đầu tư cổ phiếu có những phản ứng tương đối khác biệt, điều này dẫn tới kết quả hoạt động sau 5 tháng đầu năm có sự phân hóa khá lớn. Kết thúc tháng 5, trong 22 quỹ mở cổ phiếu (bao gồm cả các quỹ cân bằng, quỹ linh hoạt đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu), có đến 7 quỹ ghi nhận mức sụt giảm trên 10% - mức sụt giảm sâu hơn chỉ số VN-Index, trong khi đó, một số quỹ đã hồi phục dần về điểm đầu năm.

11/22 quỹ mở cổ phiếu sụt giảm mạnh hơn chỉ số VN30, một phần là do ảnh hưởng từ các khoản đầu tư đang kém hiểu quả, một phần do bán những cổ phiếu tốt khá sớm nên không tận dụng hết được nhịp hồi mạnh và liên tục trong tháng 4 và tháng 5.

    Biến động tài sản ròng/chứng chỉ quỹ của một số quỹ tiêu biểu trên thị trường

Điểm khác biệt lớn giữa các quỹ được thể hiện rõ nét nhất trong tháng 3 - khi thị trường sụt giảm sâu. Vào giai đoạn thị trường biến động mạnh, các quỹ theo đuổi chiến lược cân bằng (cân bằng giữa cổ phiếu và trái phiếu/chứng chỉ tiền gửi) sẽ phát huy ưu điểm bảo toàn vốn. Kết quả, các quỹ theo chiến lược này như MAFBAL (Manulife AM), VIBF (VinaCapital), ENF (Eastspring Investment) đã giữ được tài sản của Nhà đầu tư biến động trong một biên độ hẹp hơn.

Top 3 quỹ hiệu quả nhất thị trường trong 5 tháng đầu năm 2020 là: MAFBAL -1.8% (Manulife AM), MBVF -3.2% (MB Capital), ENF -3.5% (Eastspring Investment). Ngoại trừ 2 quỹ theo đuổi chiến lược cân bằng, duy trì tỷ trọng cổ phiếu thấp là MAFBAL, ENF như đã đề cập ở trên, quỹ MBVF ghi dấu ấn nhờ kết quả khả quan trong khi duy trì tỷ lệ cao đầu tư vào cổ phiế. Kết quả này đến từ 2 nguyên nhân chính: (1) do cổ phiếu trong danh mục đang hiệu quả hơn so với thị trường chung; (2) mua bán và chốt lời hợp lý khi thị trường biến động.

Hoạt động huy động vốn của các quỹ mở cổ phiếu lũy kế 5 tháng 2020

Trong quý 1, các nhà đầu tư đã rút ròng trên 300 tỷ khỏi các quỹ mở cổ phiếu. Thực tế, con số này tương đối nhỏ nếu đặt tương quan với sự sụt giảm sâu và nhanh của thị trường. Sau khi thị trường phục hồi liên tiếp trong tháng 4, tháng 5, các Nhà đầu tư đã và đang quay trở lại thị trường quỹ mở cổ phiếu. Điển hình, quỹ MAGEF đã huy động ròng thêm được 46 tỷ chỉ trong tháng 5. Các nhà quản lý quỹ đang kỳ vọng dòng tiền sẽ trở lại các quỹ mở mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm, khi các quốc gia kiểm soát tốt hơn dịch viêm phổi Covid-19.

Đối với các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn có thể đẩy mạnh mua chứng chỉ quỹ trong thời điểm thị trường chứng khoán đang ở mặt bằng khá rẻ nhằm tích lũy tài sản ở vùng giá hợp lý. Các nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ lưỡng về mức độ rủi ro và lợi tức kỳ vọng của quỹ đầu tư trên thị trường để có sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu và khẩu vị rủi ro.

PC

FILI