Cho vay ngang hàng có thể được thử nghiệm 1-2 năm

Cho vay ngang hàng có thể được thử nghiệm 1-2 năm

Fintech cho vay ngang hàng và nhiều lĩnh vực khác có thể được cấp phép hoạt động chính thức sau 1-2 năm tham gia sandbox.

Việt Nam hiện có hơn 150 công ty công nghệ tài chính (fintech) và 90% số này hoạt động trong mảng ngân hàng (thanh toán, ứng dụng xếp hạng, chấm điểm tín dụng...).

Trong khi đó, chưa có bất kỳ văn bản pháp lý nào quy định với từng hoạt động của các fintech trong lĩnh vực như cho vay ngang hàng (P2P Lending), mô hình thanh toán mới hay chuyển tiền xuyên biên giới...

Từ kinh nghiệm xử lý Uber và Grab tham gia thị trường vận tải, Ngân hàng Nhà nước nhận định ngành ngân hàng - tài chính cần có hành lang pháp lý kịp thời để không bị lúng túng trong quản lý khi các fintech mở rộng phạm vi hoạt động.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước vừa soạn thảo và đang lấy ý kiến về Dự thảo xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho fintech trong hoạt động ngân hàng để trình Chính phủ trong năm 2020.

Theo dự thảo, các fintech được tham gia thử nghiệm nằm trong các lĩnh vực thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P Lending), hỗ trợ định danh khách hàng, giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như Blockchain, hỗ trợ hoạt động ngân hàng (như chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn...).

Một số ứng dụng của fintech cho vay ngang hàng tại Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trang.

Các doanh nghiệp tham gia sandbox phải thoả mãn các tiêu chí như chưa có quy định pháp lý, giải pháp sáng tạo lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam hoặc có tính sáng tạo cao, quản lý rủi ro tốt, có tính khả thi và thương mại cao....

Hiện nay, Dự thảo chưa có quy định số lượng tối đa doanh nghiệp được tham gia sandbox mà sẽ được xem xét dựa trên thực tiễn và do Thủ tướng quyết định. Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận hồ sơ và phối hợp các bộ ngành để thẩm định, trình Chính phủ xem xét chấp thuận doanh nghiệp tham gia sandbox.

Dự thảo cũng ghi rõ, doanh nghiệp tham gia sandbox không đồng nghĩa được cấp phép hoạt động chính thức cho đến khi "tốt nghiệp" (hoặc đủ điều kiện cung ứng dịch vụ ra thị trường) với sự chấp thuận của Thủ tướng.

Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được thử nghiệm trong vòng 1-2 năm. Sau đó, fintech sẽ được cấp chứng nhận hoàn thành thử nghiệm (tốt nghiệp) hoặc phải gia hạn thử nghiệm, thậm chí dừng thử nghiệm.

Quỳnh Trang

Vnexpress