Dầu WTI vọt gần 10%/tuần lên cao nhất từ đầu tháng 3/2020

Dầu WTI vọt gần 10%/tuần lên cao nhất từ đầu tháng 3/2020

Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục tăng mạnh vào ngày thứ Sáu (19/06), với giá dầu WTI vọt gần 10% trong tuần qua khi các thành viên OPEC cùng với đồng minh thắt chặt cắt giảm sản lượng và một số dấu hiệu về sự cải thiện kinh tế toàn cầu đã làm gia tăng triển vọng nhu cầu năng lượng, MarketWatch đưa tin.

Ủy ban Giám sát Bộ trưởng chung (JMMC), cơ quan giám sát mức độ tuân thủ hạn ngạch sản lượng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), đã tổ chức cuộc họp vào ngày thứ Năm (18/06) qua video, cho biết Iraq và Kazakhstan đều đưa ra kế hoạch để bù đắp cho phần thiếu hụt của họ so với cam kết cắt giảm sản lượng. Những thành viên hoạt động kém khác đến ngày 22/06 sẽ phải gửi kế hoạch bù đắp mức sản lượng đã vượt mục tiêu.

“Quyết định của OPEC+ đã giúp đổi mới niềm tin rằng các thành viên sẽ cắt giảm sản lượng nhiều hơn để tuân thủ thỏa thuận cắt giảm 9.7 triệu thùng/ngày”, Paola Rodriguez Masiu, Chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ cấp cao tại Rystad Energy, nhận định. Việc cắt giảm chính thức vào đầu tháng 5/2020 và được gia hạn cho đến tháng 7/2020.

“Mức độ tuân thủ đã cao hơn kỳ vọng của phần lớn người tham gia thị trường và dường như còn có thể cao hơn nữa”, bà Masiu chia sẻ. Mức độ tuân thủ cam kết của OPEC+ về cắt giảm sản lượng đạt 87% trong tháng 5/2020.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 trên sàn Nymex tiến 91 xu (tương đương 2.3%) lên 39.75 USD/thùng, sau khi chạm đỉnh 40.50 USD/thùng trong phiên. Hợp đồng này đã đóng cửa tại mức cao nhất kể từ ngày 06/03/2020 và vọt 9.6% trong tuần qua.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 8 trên sàn Luân Đôn cộng 68 xu (tương đương 1.6%) lên 42.19 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức tăng trong tuần lên 8.9%.

Các chuyên gia hàng hóa cũng cho biết các cuộc thảo luận mới về một quỹ phục hồi để giúp các nước có kinh tế khó khăn của châu Âu và sự dịu bớt căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung đang giúp thúc đẩy triển vọng nhu cầu dầu thô.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã khởi động lại các cuộc đàm phán vào ngày thứ Sáu về một quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ Euro (tương đương 840 tỷ USD) để hồi sinh khu vực đồng Euro, dẫu vậy, sự bất đồng vẫn còn.

“Quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ Euro này sẽ hỗ trợ kinh tế phục hồi ở châu Âu và giúp triển vọng nhu cầu dầu thô mạnh hơn vào cuối mùa hè này”, Edward Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, chia sẻ.

Một báo cáo cho hay căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể dịu bớt cũng giúp thúc đẩy giá dầu. Bloomberg News đưa tin Trung Quốc sẽ tăng mua đậu nành, bắp và ethanol của Mỹ theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã ký kết hồi đầu năm.

Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại về khả năng tái bùng phát dịch Covid-19 và tác động của nó đến nhu cầu năng lượng toàn cầu.

Sự sụt giảm nhu cầu năng lượng vì dịch bệnh đã khiến sản lượng dầu tại Mỹ giảm từ các mức cao kỷ lục. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm thứ Tư (17/06) cho biết sản lượng dầu thô nội địa giảm 600,000 thùng/ngày xuống 10.5 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 12/06/2020.

Vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 10 giàn xuống còn 189 giàn trong tuần này. Con số này đã giảm mỗi tuần kể từ giữa tháng 3/2020.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 7 tiến 1.1% lên 1.2716 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 7 cộng 1.1% lên 1.2114 USD/gallon.

Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 7 tăng 1.9% lên 1.669 USD/MMBtu.

An Trần

FILI