Hợp đồng tương lai Dow Jones tăng hơn 200 điểm, chứng khoán châu Á bớt giảm

Hợp đồng tương lai Dow Jones tăng hơn 200 điểm, chứng khoán châu Á bớt giảm

Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ tăng điểm vào sáng ngày thứ Sáu (12/06), sau đà rớt mạnh vì nỗi lo về làn sóng bùng phát virus lần thứ hai, trong đó Dow Jones rớt hơn 1,800 điểm.

Hợp đồng tương lai Dow Jones tăng 245 điểm, ngụ ý chỉ số cơ sở mở phiên ngày 12/06 tăng 420 điểm. Hợp đồng tương lai S&P 500 và Nasdaq 100 cũng quay đầu tăng mạnh trong ngày thứ Sáu (12/06).

Hôm 11/06, cả ba chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 3/2020, mỗi chỉ số giảm ít nhất 5.3%. Đà giảm ngày 11/06 khiến các chỉ số sắp ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ ngày 20/03.

Dù vậy, Andrew Slimmon của Morgan Stanley Investment Management cho biết: “Xét tới mức độ tăng, nó sẽ gây sốc nếu chúng ta chỉ có 1 ngày bán tháo duy nhất”.

“Những cổ phiếu tăng mạnh nhất từ mức đáy vẫn là những cổ phiếu rủi ro cao, beta thị trường cao, cổ phiếu giá trị và cổ phiếu vốn hóa nhỏ”, Slimmon – Giám đốc điều hành và chuyên gia quản lý danh mục cấp cao tại Morgan Stanley Investment Management, cho hay trong ngày thứ Sáu (12/06). “Dù vậy, chúng vẫn là những cổ phiếu thắng lớn và tôi sẽ cho là sẽ còn giảm trong ngắn hạn trước khi thị trường thấy rõ tình trạng đầu cơ quá mức đã chấm dứt”.

Chứng khoán châu Á bớt giảm

Chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương nhuốm sắc đỏ trong phiên sáng ngày 12/06, nối tiếp đà lao dốc trên Phố Wall. Tuy vậy, đà giảm đã dịu bớt so với hồi đầu phiên.

Ở Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 331.68 điểm (tương đương 1.35%), sau khi lao dốc hơn 2%. Trong khi đó, chứng khoán tại Trung Quốc cũng bớt giảm, chỉ số Shanghai Composite chỉ còn lùi nhẹ 0.8%.

Nguồn: CNBC

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 1.28%, sau khi có lúc rớt hơn 2.5%. Chỉ số ASX 200 của Australia giảm chậm lại, từ 2.63% lúc đầu phiên xuống 1.62%.

Giảm mạnh nhất trên thị trường châu Á là chỉ số Kospi của Hàn Quốc với mức lao dốc 2.27%.

Phiên giảm mạnh nhất của Phố Wall kể từ giữa tháng 3/2020

 

 

Hôm thứ Năm (11/06), chỉ số Dow Jones rớt 1,861.82 điểm (tương đương 6.9%) xuống 25,128.17 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 5.9% còn 3,002.10 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite lùi 5.3% xuống 9,492.73 điểm.

 

Đà giảm ngày 11/06 diễn ra sau khi dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins cho thấy số ca nhiễm Covid-19 mới đã tăng ở những bang như Arizona, Nam Carolina và Texas trong lúc mở cửa lại kinh tế. Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Mỹ không thể đóng cửa kinh tế một lần nữa.

Tính cả thảy, Mỹ đã ghi nhận hơn 2 triệu ca nhiễm Covid-19, cùng với hơn 100,000 ca tử vong.

Chứng khoán Mỹ liên tục tăng điểm trong tuần trước, khi nhà đầu tư vui mừng vì triển vọng kinh tế hồi phục giữa lúc các bang và quốc gia khác nới lỏng biện pháp kiểm soát.

 “Chúng ta đã tăng hơn 30% mà chưa có một đợt bán tháo thật sự, vì vậy chứng khoán Mỹ phải điều chỉnh thôi và tôi không nghĩ đây là điều tồi tệ nhất trên thế giới”, JJ Kinahan, Giám đốc chiến lược thị trường tại TD Ameritrade, cho hay. “Khi các bang mở cửa trở lại, câu hỏi giờ chuyển thành: Liệu các bang này có hồi phục đủ nhanh để làm vui lòng Phố Wall? Câu trả lời có thể là: Rất khó”.

Dù vậy, Cả S&P 500 và Dow Jones vẫn bứt phá hơn 37% từ các mức đáy mùa dịch bệnh. Sự trở lại đáng kinh ngạc bắt đầu với việc nhà đầu tư đặt kỳ vọng các công ty công nghệ như Amazon đang hoạt động tốt bất chấp đại dịch, nhưng trong tháng trước những cổ phiếu hưởng lợi từ tái mở cửa như hàng không là những cổ phiếu tăng mạnh nhất.

“Một số cổ phiếu đã tăng quá trớn”, Kinahan cho biết. “Khi bạn thấy cổ phiếu hàng không đã trở về mức trước đại dịch mặc dù họ nói là chỉ hoạt động kinh doanh chỉ ở mức 60% thì điều đó thật vô lý”.

 

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI