Ông lớn dầu đá phiến hàng đầu tại Mỹ đã nộp đơn bảo hộ phá sản

Ông lớn dầu đá phiến hàng đầu tại Mỹ đã nộp đơn bảo hộ phá sản

Động thái này diễn ra khi Chesapeake Energy và cả ngành dầu đá phiến đang chao đảo trước cú rơi của giá dầu khí vì đại dịch Covid-19.

Công ty nặng nợ này đã rơi vào tình thế khó khăn trong một khoảng thời gian dài, và trong tháng 5/2020, Chesapeake Energy cho biết họ rất quan ngại về khả năng tồn tại trong dài hạn.

Chesapeake Energy cho biết 7 tỷ USD tiền nợ sẽ bị xóa sổ thông qua quá trình tái cấu trúc. Công ty đã có được 925 triệu USD thông qua hình thức tài trợ debtor-in-possession (DIP) nhằm tiếp tục hoạt động trong suốt quá trình bảo hộ phá sản. Bên cạnh đó, Chesapeake Energy còn đạt được thỏa thuận về nguyên tắc với một số ngân hàng để vay 2.5 tỷ USD nhằm thoát khỏi tình trạng phá sản, cũng như cam kết bảo lãnh cho việc phát hành 600 triệu USD vốn cổ phần mới.

Franklin Resources và Fidelity nằm trong số những chủ nợ lớn nhất, dựa trên nguồn tin thân cận. Họ sẽ nằm trong số những người nắm giữ cổ phiếu sau quá trình tái cấu trúc công ty. Chesapeake Energy sẽ tiếp tục hoạt động với công suất giảm đi rất nhiều và họ chỉ còn một vài giàn khoan khí đốt và không còn giàn khoan dầu, dựa trên nguồn tin thân cận.

“Về cơ bản, chúng tôi đang tái thiết lập cấu trúc vốn và hoạt động kinh doanh của Chesapeake Energy để giải quyết những yếu kém về tài chính còn tồn đọng, đồng thời tận dụng điểm mạnh hoạt động khổng lồ của chúng tôi”, CEO Doug Lawler cho biết trong một tuyên bố.

Chesapeake Energy được doanh nhân Aubrey McClendon thành lập trong năm 1989. Là một người đi tiên phong về phong trào khoan ngang (horizontal drilling), ông đã gầy dựng công ty thành một “tay chơi” quan trọng trong ngành công nghiệp khí đốt Mỹ. Tại thời điểm đỉnh cao, Chesapeake sở hữu 175 giàn khoan đang hoạt động, trong đó hoạt động bao phủ khắp nước Mỹ, bao gồm Texas, Louisiana, Pennsylvania và Ohio.

Thế nhưng, Công ty này vay rất nhiều nợ để thúc đẩy quá trình mở rộng nhanh chóng, và trong giai đoạn 2010-2012, họ chi 30 tỷ USD cho hoạt động khoan dầu khí và cho thuê – nhiều hơn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.

Ông McClendon cuối cùng bị “đá” ra khỏi Công ty trong năm 2013 và trong năm 2016, doanh nhân này bị truy tố vì âm mưu đấu thầu giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên cho một liên doanh mới mà ông đã thành lập. Ngày hôm sau, McClendon thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi.

Khi vị CEO đương nhiệm Doug Lawler kế vị ông McClendon, Chesapeake Energy có lượng nợ bằng với Exxon và Chevron cộng lại.

“Trong vài năm qua, những nhân viên tận tụy của chúng tôi đã chuyển biến hoạt động kinh doanh của Chesapeake – cải thiện hiệu quả sử dụng vốn và thành tích hoạt động, giảm thiểu chi phí, giảm nợ và đa dạng hóa danh mục”, ông Lawler cho biết trong một tuyên bố. “Mặc dù đã giảm hơn 20 tỷ USD nợ và cam kết tài chính, nhưng chúng tôi tin rằng đợt tái cấu trúc này thật sự cần thiết để tạo ra thành công trong dài hạn, đồng thời tạo thêm giá trị cho doanh nghiệp”.

Không chỉ Chesapeake đi xuống. Whiting Petroleum nằm trong những nhà khai thác dầu khổng lồ không thể tồn tại trước cú sập lịch sử của giá dầu. Công ty này đã nộp đơn bảo hộ phá sản vào ngày 01/04.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI