Vì tin đồn trên mạng xã hội, người dân Trung Quốc ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng

Vì tin đồn trên mạng xã hội, người dân Trung Quốc ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng

Những tin đồn về chuyện các ngân hàng sắp sụp đổ lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Trung Quốc và từ đó, buộc các cơ quan điều hành và thậm chí là cảnh sát nhảy vào để xoa dịu tâm lý người gửi tiền.

Từ tháng 5/2020, những người tiết kiệm mang tâm lý lo âu đã đổ xô tới 3 ngân hàng để rút vốn giữa lúc xuất hiện những tin đồn ngân hàng thiếu tiền mặt – vốn đã được xác nhận là thông tin sai.

Vào cuối tuần trước, khách hàng ồ ạt tới các ngân hàng ở tỉnh Hồ Bắc để rút tiền, từ đó buộc các cơ quan điều hành địa phương phải công khai làm chứng về tình hình sức khỏe của các ngân hàng này. Trong khi đó, cảnh sát ra sức ngăn chặn làn sóng rút vốn từ người dân.

Niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng 43 ngàn tỷ USD đang bị xói mòn ở nơi có hơn 1 tỷ tài sản tiền gửi. Điều này đe dọa đến một trụ cột quan trọng của sự trỗi dậy của Trung Quốc thành một cường quốc kinh tế.

Đại dịch Covid-19 và tác động kinh tế đi kèm đã khuếch đại tình hình vốn đang chao đảo trong hệ thống ngân hàng lớn nhất thế giới. Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện vài vụ giải cứu và thậm chí thâu tóm ngân hàng tư nhân lần đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ.

“Nhận thức ‘ngân hàng là phi rủi ro’ của người tiết kiệm Trung Quốc đang dần dần thay đổi, mặc dù trong những trường hợp gần đây, lượng tiền gửi của họ vẫn được bảo vệ”, Zhang Shuaishuai, Chuyên viên phân tích tại China International Capital chi nhánh Thượng Hải, cho hay. “Một khi lời đồn thổi như thế này lan rộng, nó sẽ lập tức mang rủi ro thanh khoản tới ngân hàng”.

Trong nhiều thập kỷ qua, hoạt động nhận tiền gửi đã góp phần tạo cơ sở vốn ổn định với chi phí thấp cho thị trường tài chính Trung Quốc, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong sự vươn lên của nền kinh tế nước này. Những hộ gia đình Trung Quốc nắm giữ 90 ngàn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 13 ngàn tỷ USD) tiền gửi ngân hàng, nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Các cơ quan điều hành hiện muốn xoa dịu tâm lý công chúng, đồng thời tăng cường biện pháp bảo vệ để tạo tấm đệm an toàn cho các ngân hàng. Làn sóng rút vốn ở Hồ Bắc diễn ra sau khi các cơ quan chức trách khởi động chương trình “tự động” (pilot) để giới hạn các giao dịch lớn tại tỉnh này.

Theo chương trình tự động kéo dài 2 năm này, các khách hàng nhỏ lẻ phải báo trước về bất kỳ khoản rút vốn lớn hoặc gửi tiền từ 100,000 Nhân dân tệ (tương đương 14,000 USD) đến 300,000 Nhân dân tệ.

Hôm 11/07, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc lại cảnh báo rằng các ngân hàng đang đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng khi nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất trong 4 thập kỷ.

Mặc dù các biện pháp “chữa cháy” – như giãn nợ, hoãn thanh toán lãi vay – đã kìm hãm phần nào sự gia tăng của nợ xấu, nhưng Ủy ban cho biết vấn đề cơ bản của các ngân hàng kiểm soát kém và khả năng trả nợ ngày càng tệ của các công ty cũng như cá nhân vẫn còn lâu mới giải quyết xong. Để hỗ trợ kinh tế, Ủy ban cũng yêu cầu các ngân hàng cho hạ lãi suất cho vay, giảm phí, trì hoãn thời gian trả nợ và cấp những khoản vay không đảm bảo cho các doanh nghiệp nhỏ.

Các cơ quan chức trách hiện giám sát hơn 3,000 ngân hàng – phần lớn trong số đó là ngân hàng nhỏ và nằm ở vùng nông thôn. Trong một động thái chưa từng có tiền lệ khác, Trung Quốc đang lên kế hoạch cho phép các chính quyền địa phương sử dụng 200 tỷ Nhân dân tệ từ việc bán trái phiếu để giúp các ngân hàng nhỏ bổ sung vốn.

Theo ước tính của S&P Global, ngành ngân hàng có thể chứng kiến nợ xấu tăng thêm 8 ngàn tỷ Nhân dân tệ trong năm nay. Các ngân hàng nhỏ đang đối mặt với sự thiếu hụt vốn (cụ thể là 349 tỷ USD), theo ước tính của UBS Group AG.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, qua đó gây thêm áp lực lên ngân hàng. Cho tới thời điểm này, khoảng 80 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu Trung Quốc (trong và ngoài nước) đã vỡ nợ trong năm 2020, mức cao nhất trong ít nhất 3 năm, dựa trên dữ liệu từ Bloomberg.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI