Chính phủ Nhật Bản cảnh báo về đà tăng quá nhanh của đồng yen

Chính phủ Nhật Bản cảnh báo về đà tăng quá nhanh của đồng yen

Hiện Bộ trưởng Aso cùng giới chức Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ đồng yen vì tính ổn định của đồng tiền này đóng vai trò rất quan trọng đối với đất nước.

Ảnh minh họa. (Nguồn: FX Empire)

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso ngày 31/7, cho rằng tốc độ tăng giá của đồng yen là “quá nhanh”, báo hiệu khả năng đồng nội tệ mạnh có thể gây thêm nhiều tổn thất cho nền kinh tế Nhật Bản, vốn đang chịu thiệt hại từ dịch COVID-19.

Theo Bộ trưởng Aso, đồng yen trong một thời gian khá dài đã duy trì ổn định ở quanh mức 107 yen đổi 1 USD dưới thời chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe. Tuy nhiên, trong ngày 31/7, đồng nội tệ Nhật Bản đã tăng giá lên mức 104,195 yen đổi 1 USD, trong bối cảnh đồng USD rớt giá do những tín hiệu kém lạc quan từ nền kinh tế Mỹ

Hiện Bộ trưởng Aso cùng giới chức Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ đồng yen vì tính ổn định của đồng tiền này đóng vai trò rất quan trọng đối với đất nước.

Ông Aso cho biết, chính phủ Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ nhu cầu trong nước thay vì nhu cầu quốc tế, giúp cải thiện tình hình thị trường việc làm và thu nhập hộ gia đình, qua đó giúp nền kinh tế dần phục hồi.

Theo Bộ trưởng Aso, xuất khẩu chiếm chưa đến 20% cơ cấu nền kinh tế Nhật Bản, qua đó tạm loại trừ những tác động tức thời từ sự tăng giá của đồng yen. Nhưng việc ông Aso cảnh báo trước đà đi lên của đồng nội tệ càng cho thấy sự khó khăn trong việc thúc đẩy nhu cầu từ các thị trường bên ngoài của Chính phủ Nhật Bản.

Trong khi đó, Thứ trưởng tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế Kenji Okamura cho biết, chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ theo dõi sát sao các xu hướng kinh tế và thị trường cơ bản để xử lý các vấn đề khi cần thiết.

Trước đó, chính phủ Nhật Bản thừa nhận rằng nền kinh tế nước này đã đạt đỉnh vào tháng 10/2018 và sau đó rơi vào suy thoái. Điều này cho thấy Nhật Bản đã phải vật lộn từ rất lâu, trước cả khi cuộc khủng hoảng COVID-19 xảy ra.

Sự tăng giá của đồng yen trong thời gian này cũng dẫn đến những đồn đoán về khả năng giới chức Nhật Bản sẽ có các biện pháp can thiệp. Lần gần nhất Tokyo can thiệp vào thị trường tiền tệ là năm 2011, khi nước này phải bán đồng yen để ngăn đồng tiền này mạnh lên và gây tổn thương nền kinh tế thời điểm đó, vốn phải đối mặt với thiệt hại từ những trận động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân Fukushima.

Tuy nhiên, kinh tế Nhật Bản cũng có một số tín hiệu lạc quan, khi số liệu chính thức cho thấy sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 6/2020 tăng 2,7% so với tháng trước đó- thời điểm sản lượng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009.

Đà tăng này có được phần nhiều nhờ sự phục hồi trong hoạt động chế tạo ôtô. Kết quả này cao hơn mức tăng dự báo 1,2% do các chuyên gia kinh tế đưa ra trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.

Hoạt động kinh tế của Nhật Bản trong những tháng gần đây đã dần khôi phục, sau khi chính phủ nước này dỡ bỏ biện pháp khẩn cấp để ứng phó với dịch COVID-19 hồi cuối tháng 5/2020.

Mặc dù vậy, theo chuyên gia Ayako Sera tại công ty quản lý tài sản Sumitomo Mitsui Trust Holdings, đà phục hồi của hoạt động kinh tế Nhật Bản là không đáng kể so với mức giảm mạnh trong tháng 4 và 5/2020, khi nền kinh tế nước này bị tác động lớn bởi các biện pháp phong tỏa.

Chuyên gia này đánh giá hoạt động sản xuất có xu hướng tăng hoặc giảm cùng chiều với lợi nhuận doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán Nhật Bản trong trạng thái khá tốt, song hiện đang xuất hiện các hoài nghi về việc liệu tình hình hoạt động của các doanh nghiệp có thể tốt dự báo của thị trường.

Bất chấp đà tăng trong tháng 6/2020, sản lượng công nghiệp của Nhật Bản vẫn giảm 16,7% trong quý 2/2020, mức giảm lớn nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập từ năm 2015, theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI)./.

Sản xuất công nghiệp tại Nhật Bản có dấu hiệu phục hồi. (Ảnh: AFP/Getty)

Vietnam+