Covid-19 có thể đẩy hàng triệu người châu Âu vào bẫy nợ

Covid-19 có thể đẩy hàng triệu người châu Âu vào bẫy nợ

Lo nợ công tăng cao, nhiều nước châu Âu đang lên kế hoạch giảm hỗ trợ cho người lao động trong đại dịch.

Giới phân tích cho rằng việc này có thể đẩy hàng triệu gia đình khu vực này vào bẫy nợ nần. Các tổ chức giúp khách hàng phân tích vấn đề tài chính cảnh báo số gia đình nợ hóa đơn có thể tăng vọt. Kể cả ở những nước có tỷ lệ tiết kiệm cao như Đức hay Áo, người dân cũng đã bắt đầu lo lắng.

"Tại một số tỉnh, chúng tôi nhận thấy số người cần tìm lời khuyên tăng vọt so với năm ngoái", Maria Kemmetmueller – Phó giám đốc tổ chức các hãng tư vấn nợ tại Áo cho biết, "Trong mùa thu, chúng tôi dự báo nhu cầu tư vấn tăng 40%".

Đây là một trong rất nhiều mối đe dọa với đà phục hồi kinh tế tại châu Âu. Người dân đang giảm chi tiêu. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra sự ổn định trong hệ thống tài chính sẽ bị lung lay khi số vụ vỡ nợ tăng vọt.

Lao động châu Âu đang được chính phủ hỗ trợ rất nhiều trong đại dịch. Ảnh: Reuters

Mạng lưới Nợ Tiêu dùng châu Âu (ECDN) - tổ chức phi chính phủ đấu tranh chống lại tình trạng nợ nần quá mức ước tính 10% hộ gia đình trong Liên minh châu Âu (EU) đang có vấn đề về nợ. Một nghiên cứu của hãng tư vấn Bruegel thì cho biết kể cả trước khi đại dịch xảy ra, gần một phần ba hộ gia đình châu Âu đã không đủ tiền cho các chi phí phát sinh. Các hộ gia đình tại các quốc gia Nam Âu thậm chí còn có "tài chính mong manh hơn".

Một khảo sát của Resolution Foundation tháng này cho biết 44% hộ gia đình Anh sẽ không thể thanh toán các hóa đơn nếu mất nguồn thu nhập chính trong hơn 3 tháng.

Thu nhập giảm sút là nguyên nhân chủ yếu cho các vấn đề này. Tác động tài chính của đại dịch đến nay vẫn được kiềm chế nhờ chính sách hỗ trợ trả lương của chính phủ. Tuy nhiên, nhiều chính phủ lo lắng về gánh nặng nợ đã lên kế hoạch giảm quy mô chính sách hỗ trợ. Việc này có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.

"Nhu cầu tư vấn đang tăng vọt", Roman Schlag – người phát ngôn Hiệp hội các nhà cố vấn vay nợ tại Đức cho biết, "Ban đầu, người vay nợ sẽ cố gắng tự giải quyết. Đến một lúc nào đó, họ nhận ra mình không thể làm được việc này và tìm đến cố vấn".

Vấn đề trên càng cho thấy khủng hoảng kinh tế hiện tại khoét sâu bất bình đẳng thu nhập. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tháng trước cảnh báo người thu nhập thấp, phụ nữ, dân nhập cư và người trẻ sẽ chịu tác động đặc biệt nghiêm trọng. Nhóm này khó có khả năng làm việc từ xa trong thời kỳ phong tỏa, và thường làm trong các ngành chịu tác động mạnh nhất từ đại dịch như bán lẻ, du lịch và khách sạn.

Những người có thu nhập cao cũng có thể chịu tác động. Những người làm nghề tự do lại càng dễ tổn thương do họ phụ thuộc vào lượng nhỏ khách hàng và không được tiếp cận toàn bộ chương trình hỗ trợ của chính phủ.

Trong báo cáo Đánh giá Ổn định Tài chính hồi tháng 5, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng cho biết nợ hộ gia đình là một trong những rủi ro của khu vực này. Xóa nợ tạm thời có thể giảm thiểu phần nào rủi ro này, nhưng chỉ trong ngắn hạn.

Nhiều nước không đủ cơ sở vật chất giải quyết việc này, ví dụ như các cơ quan chuyên trách xóa nợ. Tại nhiều quốc gia, người vay nợ phải tìm đến luật sư riêng, các cố vấn hoặc tổ chức không được cấp chứng nhận về chuyên môn.

Các hộ gia đình cũng có nhiều lựa chọn như vay nóng, bất chấp lãi suất cắt cổ, Kosta Skliris – một cố vấn tại ECDN cho biết. Họ cũng có thể lấy số tiền lẽ ra trả cho khoản này để thanh toán khoản khác. "Mọi người thường đưa ra quyết đinh dựa trên danh dự bản thân. Họ lấp hố này bằng cách đào hố khác mà thôi", ông nói.

Hà Thu

Vnexpress